Đường dẫn truy cập

Mỹ, ASEAN khởi động thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện


Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 12 tháng 11 năm 2022.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 12 tháng 11 năm 2022.

Các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á tổ chức hội nghị vào ngày thứ Bảy với các nhà lãnh đạo toàn cầu đến tham dự, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông ca ngợi việc khởi động hiệp ước Hoa Kỳ-ASEAN mới là một bước hệ trọng để giải quyết "các vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta."

Trong chuyến thăm đầu tiên ở Đông Nam Á trên cương vị tổng thống, ông Biden cho biết khu vực này là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông và Washington đang cung cấp những nguồn lực, không chỉ là lời nói suông, trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới.

"Cùng nhau, chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta, từ khí hậu, đến an ninh y tế, để chống lại mối đe dọa đáng kể đối với trật tự dựa trên luật lệ," ông nói, khai mạc hội nghị tại Campuchia với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm 10 thành viên.

"Chúng ta sẽ xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ổn định và thịnh vượng, kiên cường và an ninh," ông nói thêm.

Những nhà lãnh đạo thế giới khác bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Đây là sự kiện đầu tiên trong một loạt các hội nghị thượng đỉnh ở Đông Nam Á trong bảy ngày tới, dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề toàn cầu phức tạp, từ cuộc chiến ở Ukraine, khí hậu, và căng thẳng khu vực liên quan đến Eo biển Đài Loan, Biển Đông và những vụ phóng phi đạn của Triều Tiên.

Ông Biden đến Châu Á trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách tái khẳng định vị thế của mình sau một khoảng thời gian có sự bất định trong khu vực về cam kết của Mỹ dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, và các nỗ lực có phối hợp của đối thủ Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng và lấp đầy khoảng trống.

Trung Quốc và ASEAN đã công bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái.

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Phnom Penh vào Chủ nhật, trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 tại Bali, Indonesia vào tuần sau, trước khi đến Bangkok tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Tại các hội nghị này, ông Biden sẽ tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nói về cam kết của Mỹ đối với một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, một quan chức chính quyền cao cấp cho biết vào đầu tuần này, theo Reuters.

Ông Biden ngày thứ Bảy nói các hội nghị sẽ thảo luận về cuộc chiến "tàn bạo" của Nga nhắm vào Ukraine và những nỗ lực của Mỹ nhằm ứng phó với tác động toàn cầu của cuộc chiến.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov sẽ tham dự các sự kiện đó thay mặt Tổng thống Vladimir Putin, trong khi nước chủ nhà Indonesia ngày thứ Bảy xác nhận Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ phát biểu trước hội nghị G20.

Ukraine đang tìm cách tăng cường giao tiếp với ASEAN và bộ trưởng ngoại giao của nước này, Dmytro Kuleba, đang yêu cầu các nhà lãnh đạo lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga, đồng thời cảnh báo rằng giữ thái độ trung lập không có lợi cho họ.

Ông cũng kêu gọi họ ngăn Nga tiếp tục cản trở việc vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine theo thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, có thể hết hạn vào ngày 19 tháng 11 và "ngăn Nga đem tình trạng đói ăn của thế giới ra chơi đùa."

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG