Đường dẫn truy cập

Mỹ-Ấn ký hiệp định hợp tác quốc phòng


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter duyệt hàng quân danh dự trong buổi lễ chào đón ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 3/6/2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter duyệt hàng quân danh dự trong buổi lễ chào đón ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 3/6/2015.

Ấn Độ và Hoa Kỳ ký lại hiệp định hợp tác quốc phòng để tăng cường quan hệ quân sự trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Theo tường trình của Thông tín viên Anjana Pasricha từ Mumbai, sự hợp tác trong lãnh vực hải dương sẽ được chú trọng đặc biệt do những quan ngại chung về mưu toan bành trướng của Trung Quốc trong vùng.

Hiệp định mới, có thời hạn 10 năm, có tên là Hiệp định Khung Quốc phòng Mỹ-Ấn. Khía cạnh quan trọng nhất của thoả thuận này là những biện pháp nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Ấn Độ, gồm có việc sản xuất chung và phát triển chung các loại công nghệ quân sự.

Hiệp định được ký cuối ngày hôm qua giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.

Những dự án được nhiều người chú ý là hai dự án để Mỹ giúp Ấn Độ chế tạo và thiết kế tàu sân bay và động cơ phản lực.

Vào lúc ông Carter kết thúc chuyến viếng thăm vào ngày hôm nay, hai nước cho biết sẽ xúc tiến nhanh chóng những cuộc thảo luận về những dự án này.

Ông Jayadeva Ranade, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại New Delhi, nhận định như sau:

“Đặc biệt tôi cảm thấy việc sản xuất chung và phát triển chung công nghệ tàu sân bay và công nghệ động cơ phản lực là những động thái chiến lược có những ảnh hưởng rất sâu rộng và đây là những dự án, nếu được thực hiện, tôi nghĩ sẽ thực sự là một dấu mốc trong mối quan hệ giữa hai nước.”

Chuyến viếng thăm Ấn Độ của ông Carter bao gồm một chặng dừng chân tại bộ chỉ huy hải quân miền đông ở Visakhapatnam, chuyến thăm một căn cứ hải quân Ấn Độ đầu tiên của một vị bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ.

Các giới chức Mỹ nói chuyến viếng thăm của ông Carter đến cảng này chứng tỏ cam kết của ông đối với an ninh biển mà hai nước muốn tăng cường.

Ông Rahul Bedi thuộc Tuần báo Quốc phòng Jane’s ở New Delhi nói hiệp định mới sẽ mang lại thêm đà tiến cho sự gia tăng “với cấp số nhân” của sự hợp tác trên biển giữa hai nước trong vài năm qua . Ông nói việc này là do sự lo ngại ngày càng tăng về những mưu toan của Trung Quốc để xâm nhập Ấn Độ Dương, là nơi mà các tàu chở dầu tới Trung Quốc phải đi ngang qua.

“Nếu bạn nhìn quanh vùng này, bạn sẽ thấy hải quân Ấn Độ đang phát triển rất mạnh để trở thành một lực lượng đáng nể. Và vấn đề đối với cả hai nước Ấn Độ và Mỹ là sự bành trướng của hải quân Trung Quốc vào vùng Ấn Độ Dương. Và đó là điều các nước trong vùng như Nhật Bản, Australia, các nước ASEAN, Ấn Độ và Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chặn. Trên thực tế Hoa Kỳ đang có kế hoạch chuyển một lượng lớn các tàu sân bay đến châu Á trong vòng 4, 5 năm và Hoa Kỳ rất muốn Ấn Độ tham gia vào việc tái cân bằng tại vùng này."

Đề cập đến dự án tàu sân bay, ông Bedi nói sự hợp tác hải quân giữa New Delhi và Washington sẽ gia tăng về mọi phương diện, “không chỉ về mặt tập trận, nhưng cũng về mặt trang bị, về mặt tàu chiến cũng như về những cuộc hành quân hỗn hợp”.

Truyền thông Ấn Độ loan tin các giới chức Hoa Kỳ cũng nhắc lại đề nghị là Ấn Độ nên mời Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập hải quân thường niên Mỹ-Ấn. Tuy nhiên, New Delhi cho đến nay vẫn còn ngần ngại vì họ không muốn bị xem là một phần của một liên minh quân sự.

Theo hiệp ước quốc phòng mới, hai dự án nhỏ đã được đồng ý là phát triển một loại máy phát điện mặt trời và những trang bị bảo hộ cho binh sĩ chống chiến tranh sinh học và hóa học.

Trong lúc Hoa Kỳ trở thành nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, New Delhi đã nhấn mạnh đến việc cùng nhau sản xuất vũ khí thay vì mua bán vũ khí.

Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền vào năm ngoái, mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã được thay thế bằng một mối quan hệ năng động, với việc cả hai bên xem nhau như một đối tác chiến lược quan trọng.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Carter diễn ra sau khi ông đi thăm Singapore và Việt Nam, nơi ông nói là quân đội Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong vùng này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG