Đường dẫn truy cập

Mỹ, Ấn Độ tăng cường quan hệ bằng các hiệp định quốc phòng, thương mại


Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang hướng tới việc tăng cường mối quan hệ Mỹ-Ấn mạnh mẽ hơn vào thứ Năm (22/6) bằng cách công bố một loạt thỏa thuận quốc phòng và thương mại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi Washington đang tìm cách chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Ông Biden trải thảm đỏ đón ông Modi với lễ đón tiếp đầy màu sắc ở Nhà Trắng sáng thứ Năm (22/6), sau đó là các cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục và quốc yến vào chiều tối. Hai nhà lãnh đạo đã ăn tối riêng tư, thân mật tại Nhà Trắng hôm thứ Tư (21/6).

Trong một lần hiếm hoi, ông Modi đồng ý trả lời câu hỏi của các phóng viên với ông Biden tại Nhà Trắng vào 22/6. Ông chưa họp báo lần nào kể từ khi trở thành thủ tướng cách đây 9 năm.

Washington muốn Ấn Độ trở thành đối trọng chiến lược với Trung Quốc và coi Ấn Độ là một đối tác quan trọng. Ông Modi đang tìm cách nâng cao ảnh hưởng của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người, trên trường quốc tế sau mối quan hệ căng thẳng với nước láng giềng Trung Quốc.

Ông Modi đến Nhà Trắng hôm 21/6/2023.
Ông Modi đến Nhà Trắng hôm 21/6/2023.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết các thỏa thuận sâu rộng sẽ được công bố về chất bán dẫn, khoáng sản thiết yếu, công nghệ, hợp tác không gian, hợp tác và mua bán quốc phòng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước.

Một số thỏa thuận nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã tìm cách giải quyết ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách củng cố quan hệ quốc phòng với các nước như Ấn Độ và Australia.

Hai nhà lãnh đạo sẽ ký kết cái mà một quan chức gọi là thỏa thuận “tiên phong” cho phép General Electric Co. sản xuất động cơ phản lực ở Ấn Độ để dùng cho máy bay quân sự của Ấn Độ.

Ngoài ra, các tàu của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực sẽ có ghé vào các xưởng đóng tàu của Ấn Độ để sửa chữa theo thỏa thuận hàng hải đạt được giữa hai chính phủ.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ công bố kế hoạch của Ấn Độ mua máy bay không người lái vũ trang MQ-9B SeaGuardian do Mỹ sản xuất, các quan chức Mỹ cho biết.

Quan chức Mỹ nói: “Giờ đây, chúng tôi đã thực sự bước vào quan hệ đối tác quốc phòng 'thế hệ tiếp theo'.

Các thỏa thuận sẽ bao gồm kế hoạch trị giá 2,7 tỷ đôla của nhà sản xuất chip Hoa Kỳ Micron Technology cho một đơn vị đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn mới, sẽ được xây dựng tại bang Gujarata, quê hương của ông Modi.

Kết hợp với các thỏa thuận về điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và nhiều thỏa thuận khác đã phát triển trong những tháng gần đây, chuyến thăm của ông Modi có thể khuyến khích nhiều công ty Mỹ đầu tư vào Ấn Độ.

Đồng thời, ông Biden có kế hoạch nêu lên những lo ngại về nhân quyền với Modi trong bối cảnh lo ngại về sự suy thoái dân chủ ở Ấn Độ.

Một trong những quan chức Hoa Kỳ trao đổi với các phóng viên cho biết ông Biden sẽ nêu ra những quan ngại về quyền tự do báo chí, tự do tôn giáo và các vấn đề khác một cách tôn trọng mà không “hăm dọa, thuyết giảng hay chỉ trích”.

Ông Biden đang chịu áp lực bởi các đảng viên Đảng Dân chủ của mình để thảo luận về nhân quyền với ông Modi.

Những người ủng hộ nhân quyền, những người dự định phản đối trong chuyến thăm của ông Modi, hôm thứ Tư (21/6) cho biết ông Biden nên công khai bác bỏ hồ sơ nhân quyền của ông Modi, nói rằng cách tiếp cận của chính quyền Hoa Kỳ trong việc nêu vấn đề riêng với nhà lãnh đạo Ấn Độ đã không ngăn chặn được điều mà họ mô tả là làm suy giảm nhân quyền ở Ấn Độ .

Ông Modi đã đến Mỹ năm lần kể từ khi trở thành thủ tướng vào năm 2014, nhưng đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông với đầy đủ quy chế ngoại giao của một chuyến thăm cấp nhà nước.

Ông Modi sẽ phát biểu trước các CEO Hoa Kỳ tại tiệc chiêu đãi vào thứ Sáu (23/6), trong lúc các công ty Mỹ lên kế hoạch đầu tư mới vào Ấn Độ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG