Đường dẫn truy cập

Mối đe dọa từ Trung Quốc và vấn đề Biển Đông


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vẫy tay chào các em học sinh cầm cờ hai nước tại lễ đón mùng ông Tập tới thăm Hà Nội hôm 12/11/2017. Ảnh REUTERS/ Hoang Dinh Nam
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vẫy tay chào các em học sinh cầm cờ hai nước tại lễ đón mùng ông Tập tới thăm Hà Nội hôm 12/11/2017. Ảnh REUTERS/ Hoang Dinh Nam

Từ trung tuần tháng 11, Việt Nam xuất hiện trên sân khấu thế giới trong vai nước chủ nhà, niểm nở đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia tới Đà Nẵng dự hội nghị APEC- Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương. Ngay sau khi APEC bế mạc, Hà nội lần lượt đón tiếp 2 vị khách quý lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới. Trước tiên là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, chính thức đi thăm Việt Nam. Cùng ngày Tổng thống Mỹ lên máy bay về nước, Hà Nội lại trải thảm đỏ, bắn đại bác long trọng đón tiếp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng đàng sau 21 phát đại bác và những lời phát biểu hòa hoãn nêu lên tinh thần đoàn kết giữa hai nước anh em cộng sản láng giềng, nhiều người Việt, kể cả trong chính quyền, vẫn lo ngại về ý đồ của nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông, vẫn quyết tâm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Một nhà nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á phân tích mối đe dọa do Trung Quốc đặt ra đối với Việt Nam.

Là một nước nhỏ nằm sát cạnh một nước khổng lồ, việc Việt Nam bị Trung Quốc chi phối trong nhiều lĩnh vực là điều khó tránh khỏi, nhất là khi cường quốc lớn nhất khu vực, dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, có tham vọng trở thành bá chủ thế giới và đang từng bước thực hiện ‘giấc mơ Trung Hoa’.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói mối đe dọa đến từ Trung Quốc không chỉ hiện diện trên Biển Đông, mà có phần còn nguy hiểm hơn trên đất liền. Ông nói thái độ e dè lo lắng của nhiều người dân và chủ trương của giới lãnh đạo Việt Nam phải mềm dẻo với Trung Quốc, cũng có cái lý riêng của nó.

GS Ngô Vĩnh Long giải thích:

“Nếu mang ra so sánh, thì mối đe dọa của Trung Quốc ngay ở trên đất liền còn nguy hiểm hơn mối đe dọa trên Biển Đông rất là nhiều. Mình không muốn làm cho Trung Quốc quá phật lòng trong khi những nước có thể giúp Việt Nam hiện nay còn có vẻ hơi thờ ơ. Việt Nam chúng ta có câu “nước xa mà lửa gần”. Nếu lửa bốc cháy nhà mình mà nước không gần thì rất là khó, thành ra tôi hiểu vì sao chính quyền Việt Nam trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam nên tận dụng cánh cửa cơ hội khi thế giới chú ý tới mình sau sự kiện APEC, để cải thiện hình ảnh của đất nước, và đẩy mạnh vai trò trong khu vực và trên trường quốc tế hầu có thể củng cố thế đứng của mình.

GS Ngô Vĩnh Long:

“Việt Nam đang được chú ý đến thì nên đẩy mạnh vai trò tích cực của mình không những đối với các nước trong khu vực và thế giới, mà thường thường một nước muốn được kính trọng là mình phải đối đãi với dân của mình như thế nào, chính sách trong nước của mình như thế nào, thì lúc đó cái chiến lược của mình đối với nước ngoài nó mới được bảo vệ và đẩy mạnh hơn.”

Làm cách nào tận dụng các mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và Việt Nam với Trung Quốc để phục vụ tốt nhất các lợi ích của Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long:

“Trải thảm đỏ là một hình thức, một cách khác là làm sao để cho sức mạnh nội bộ của Việt Nam càng ngày nó càng phát triển thêm để dân chúng Việt Nam cùng nhau bảo vệ đất nước, thì tôi nghĩ trong đó nhân quyền và dân quyền là rất quan trọng dù cho ông Trump hay các nước khác không đề cập đến ngay trong lúc này. Chính Việt Nam phải làm sao để cho dân chúng ở trong nước cảm thấy rằng họ cần đóng góp cho tương lai của đất nước.”

Về đề nghị của nhà lãnh đạo Mỹ làm trung gian điều giải giữa Việt Nam và Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhà nghiên cứu nhận định khi đưa ra đề xuất đó, ông Trump có lẽ không nắm vững vấn đề Biển Đông cho lắm.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:

“Ông Trump ông ấy nói câu này là hoàn toàn sai, là bởi vì đây không phải là một vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay giữa Việt Nam và một số nước khác trên thế giới. Vấn đề Biển Đông là vấn đề chung của thế giới, vấn đề chung của khu vực. Mỹ có bổn phận ở Biển Đông cũng như có bổn phận ở Tây-Thái Bình Dương. Bây giờ ông Trump nói Mỹ sẽ đứng giữa, tìm cách nối nước này với nước kia như vậy thì tất nhiên là Mỹ từ bỏ trách nhiệm của mình. Mà đây không phải là trách nhiệm mới, mà có cả trăm năm rồi. Mỹ đã tham dự 4 cuộc chiến ở Châu Á -Thái Bình Dương để bảo vệ an ninh ở đó cũng như để bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Bây giờ tự nhiên tách rời Mỹ ra rồi bảo tôi sẽ đứng ngoài, và giúp cho các ông nói chuyện với nhau thì thật là vô lý!”

Mặc dù thái độ hòa hoãn hơn giữa các nước tranh giành chủ quyền trên Biển Đông sau hội nghị APEC cho phép lóe lên một tia hy vọng về triển vọng nối lại các cuộc đàm phán để đạt một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển vào đầu năm tới, có phần chắc vụ tranh chấp chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên này thể nào cũng có ngày sẽ bùng lên trở lại, bởi vì không có nước nào trong cuộc có ý định nhượng lại chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của mình, trong khi khó có thể thuyết phục Trung Quốc từ bỏ giấc mơ nước lớn của họ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG