Đường dẫn truy cập

Miss USA Rima Fakih trở thành trung tâm của sự tranh cãi


Cô Rima Fakih đăng quang Hoa hậu Mỹ 2010 tại Planet Hollywood Resort and Casino ở Las Vegas, Nevada, ngày 16 Tháng 5, 2010
Cô Rima Fakih đăng quang Hoa hậu Mỹ 2010 tại Planet Hollywood Resort and Casino ở Las Vegas, Nevada, ngày 16 Tháng 5, 2010

Cô Rimah Fakih là người đoạt giải cuộc thi hoa hậu Miss USA năm 2010. Cô là người Mỹ gốc Ả Rập và là người Hồi giáo đầu tiên đoạt giải này, và cô được sự ủng hộ rộng rãi tại nơi cô nhận làm quê hương thứ hai là thị trấn Dearborn trong tiểu bang Michigan. Trong lúc những người ủng hộ cô ở đó hoan nghênh thành tích của cô, thì có một số người khác đã nêu ra những mối quan ngại rằng cuộc thi hoa hậu và những hình ảnh khêu gợi của cô, được công bố sau khi cô thắng cuộc, đi ngược lại với các giá trị bảo thủ của đức tin Hồi giáo. Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, cô Rima Fakih đã đề cập đến các mối quan ngại đó cũng như các mục tiêu của cô trong tư cách là Miss USA vào lúc cô tiến vào cuộc thi hoa hậu Miss Universe mùa hè này.

Cô Fakih sinh ở Lebanon và lớn lên ở thành phố New York, nhưng chính thị trấn Dearborn trong bang Michigan mới là nơi hoa hậu Rima Fakih gọi là quê hương.

Cô Fakih nói nếu rời khỏi Lebanon và dọn đến Dearborn thì người ta sẽ có cảm giác là mình vẫn còn ở Lebanon.

Đó là vì Dearborn là nơi tập trung lớn nhất của những người Mỹ gốc Ả Rập ở Hoa Kỳ.

Ông Imad Hamad, người Mỹ gốc Ả Rập thuộc ủy ban chống kỳ thị cho biết dân chúng vẫn hoài nghi là một người Mỹ gốc Ả Rập hay người Mỹ theo Hồi giáo lại có thể đi quá xa như thế.

Ông Imad Haddad là giám đốc khu vực của Uûy ban Chống Kỳ thị người Mỹ gốc Ả Rập và là một trong những người ủng hộ cô Fakih nồng nhiệt nhất ở Dearborn.

Vài ngày sau cuộc thi hoa hậu Miss USA, điện thoại ở văn phòng ông Haddad vẫn còn reo liên tục với những yêu cầu xin phỏng vấn từ khắp thế giới. Họ muốn biết cảm tưởng của ông Haddad về thành tích của cô Fakih.

Ông Imad Hamad trong ủy ban này nói rằng “Hoa Kỳ là một quốc gia vĩ đại của người di dân, và là nơi một di dân có cơ hội trở thành Miss USA, điều đó chứng tỏ các giá trị chân thực của người Mỹ và chúng tôi hãnh diện về tính chất Mỹ của chúng tôi.”

Nhưng một số người Hồi giáo đã nêu ra những thắc mắc về tôn giáo của cô Fakih. Gia đình của cô là người Shia, và một số người cảm thấy cô không đại diện cho các giá trị của đức tin này bởi vì cô đã mặc áo tắm trong cuộc thi. Những hình ảnh được phổ biến cho thấy cô nhẩy múa một cách khêu gợi trước khi cô trở thành Miss USA cũng đã nêu ra những mối quan tâm.

Osama Siblani, người Mỹ gốc Ả Rập, nói ông không hiểu tại sao mọi người lại có thể coi cô là một cái gương cho người Hồi giáo. Theo ông, cô ấy không phải là một tấm gương cho người Hồi giáo.

Ông Osama Siblani xuất bản tờ báo Tin tức Người Mỹ gốc Ả Rập ở Dearborn. Việc cô Fakih đoạt giải Miss USA là một tin lớn cho tuần báo này. Tuy không cảm thấy cô Fakih là tấm gương sáng cho người Hồi giáo, ông cảm thấy việc nêu ra vấn đề tôn giáo của cô là điều bất công.

Ông nói đó là một cuộc thi hoa hậu và đây là cuộc tranh tài Miss USA. Vì thế họ có những luật lệ và họ đề những quy định về cách thức tuyển chọn và bầu Miss USA, mà một trong các quy định đó không phải là tôn giáo hay sắc tộc.

Trong cuộc phỏng vấn với đài VOA, cô Fakih tự khẳng định các quan điểm của mình.

Cô nói: “Gia đình tôi theo Hồi giáo, vì thế mà tôi sinh ra trong một gia đình Hồi giáo, nhưng đúng vậy, tôi có những người trong gia đình theo Công giáo và các đạo khác nữa. Cha tôi luôn dậy cho chúng tôi tính cấp tiến, chúng tôi không được xác định bởi tôn giáo. Chúng tôi muốn được coi là người Hồi giáo cấp tiến, và nhiều người khác cũng giống chúng tôi.”

Ông Imad Hamad nói ngay cả những người Hồi giáo bảo thủ cũng nên hoan nghênh thành quả của cô Fakih.

Ông nói: “Thậm chí những người có thể có những niềm tin nghiêm khắc về tôn giáo, những người không nhất thiết phải đồng ý với khái niệm, cũng giống như họ không đồng ý với khái niệm ăn thịt heo, hay đánh bạc, hay uống rượu hay bất cứ điều gì, họ không thể chối cãi rằng đây là một vai trò rất uy tín và và họ coi đó là một cách để sửa chữa hình ảnh người Ả Rập nói chung, nhất là sau thảm kịch ngày 11 tháng 9.”

Cô Fakih nói cô rất náo nức muốn góp phần thay đổi hình ảnh người Mỹ gốc Ả Rập. Cô cho biết cho dù con đường cô đi đưa cô đến đâu thì cô vẫn trung thành với nguồn gốc của mình, và với đất nước mà nay cô gọi là quê hương.

Cô nói: “Đất nước này vẫn còn được xây dựng trên nền tảng cơ hội và tự do, và tất cả chúng ta đều bình đẳng bất kể nguồn gốc. Cha tôi vẫn luôn nói rằng mình sẽ không biết mình là ai nếu mình không biết nguồn cội của mình, và tôi cảm thấy tôi là một thí dụ tốt cho quan điểm đó.”

Chặng đường kế tiếp của cô Rima Fakih là cuộc thi hoa hậu Miss Universe ở Las Vegas vào tháng 8 này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG