Đường dẫn truy cập

Miến Điện: 'Không hay biết' về chính sách 2 con


Miến Điện áp dụng chính sách hai con đối với người Rohingya theo đạo Hồi để kiềm chế sự tăng trưởng dân số của nhóm người thiểu số này ở bang Rakhine.
Miến Điện áp dụng chính sách hai con đối với người Rohingya theo đạo Hồi để kiềm chế sự tăng trưởng dân số của nhóm người thiểu số này ở bang Rakhine.
Giới hữu trách Miến Điện cho biết sẽ xét lại một chính sách ở tiểu bang Rakhine áp đặt sự hạn chế về số con của người Hồi giáo nhằm kiểm soát sự tăng trưởng dân số. Chính sách không cho người Rohingya theo đạo Hồi được có hơn hai đứa con đã bị lên án bởi các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf gởi về bài tường thuật sau đây.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại truyền hình dành cho đài VOA, người phát ngôn của tổng thống Miến Điện, ông Ye Htut nói rằng chính phủ trung ương chỉ biết về hạn chế hai con đối với người Rohingya theo đạo Hồi sau khi đọc các bài tường thuật của các cơ quan truyền thông ngoại quốc.

Ông Ye Htut nói: "Chúng tôi không có thông tin về lệnh này. Chúng tôi chỉ nhìn thấy trêh truyền thông quốc tế. Vì vậy, chúng tôi sẽ kiểm tra việc này với chính quyền tiểu bang."

Tin tức về sự hạn chế về số con đối với người Hồi giáo và chỉ cho lấy một vợ, trong lúc đạo Hồi cho phép lấy 4 vợ, đã được báo chí Miến Điện tường thuật hồi tuần trước.

Giới hữu trách tiểu bang Rakhine ở miền tây Miến Điện nói rằng lệnh này được áp dụng tại hai quận giáp ranh với Bangladesh, nơi đa số cư dân là người Rohingya theo đạo Hồi.

Sự hạn chế về số con chỉ áp dụng cho người Hồi giáo và đã được ban hành dưới thời chính quyền quân nhân trước đây, tuy không được chấp hành nghiêm nhặt.

Phát ngôn viên chính quyền tiểu bang, ông Win Myaing, nói rằng sự thúc đẩy mới được thực hiện về hạn chế số con và số vợ là một phần của những nỗ lực kế hoạch hóa gia đình mà một ủy ban do tổng thống chỉ định đã đề nghị hồi tháng tư để giảm thiểu căng thẳng giữa người Hồi giáo và người Phật giáo.

Tuy nhiên, theo lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức Human Rights Watch, từ năm 2005 các lực lượng biên phòng ở tiểu bang Rakhine đã tìm cách chấp hành những luật lệ này một cách nghiêm nhặt. Ông nói thêm như sau về phát biểu của ông Win Miang.

Ông Robertson nói: "Tôi nghĩ rằng những gì mà họ đang làm là tìm cách kiểm soát nội dung của cuộc tranh luận. Họ muốn nói rằng 'đây là những gì mà chúng tôi đã làm và điều này được chính phủ liên bang Miến Điện cho là chính đáng.' Bây giờ chính phủ liên bang có bổn phận phải trả lời và cho biết là đây có phải là chính sách của họ hay không."

Dân số Hồi giáo gia tăng nhanh chóng làm gia tăng mối lo ngại của người Phật giáo ở Rakhine là họ sẽ trở thành nhóm người thiểu số.
Dân số Hồi giáo gia tăng nhanh chóng làm gia tăng mối lo ngại của người Phật giáo ở Rakhine là họ sẽ trở thành nhóm người thiểu số.
Ủy ban Rakhine đã được giao phó trách nhiệm điều tra về nguyên do cội rễ của vụ xung đột hồi năm ngoái giữa người Hồi giáo và người Phật giáo đã gây tử vong cho 200 người và buộc 140.000 người, hầu hết là người Rohingya, phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Ủy ban này cho rằng số dân Hồi giáo gia tăng nhanh chóng đã làm gia tăng mối lo ngại của người Phật giáo ở Rakhine là họ sẽ trở thành nhóm người thiểu số và bị thua thiệt trong nền dân chủ đang hình thành ở Miến Điện. Nhưng ủy ban cũng cảnh báo rằng bất kỳ biện pháp phi tự nguyện nào cũng đều có thể tạo thêm căng thẳng.

Phát ngôn viên Ye Htut nói rằng Tổng thống Thein Sein chưa quyết định về việc ông có ủng hộ lệnh cấm người Hồi giáo sinh hơn hai con hay không. Ông cho biết ông sẽ loan báo lập trường đối với vấn đề này sau khi nói chuyện với giới hữu trách bang Rakhine và nghiên cứu các khuyến nghị của ủy ban Rakhine.

Ông Ye Htut cho biết: "Cho tới lúc này tôi không thể nói là chúng tôi có ủng hộ hay không vì chúng tôi còn phải xem xét tất cả các khuyến nghị của ủy ban Rakhine về mọi vấn đề. Vì vậy tôi không thể bình luận về vấn đề cá biệt này, về vấn đề chúng tôi có ủng hộ hay không."

Người Rohingya được xem là một trong những nhóm người bị bách hại nhiều nhất trên thế giới.
Người Rohingya được xem là một trong những nhóm người bị bách hại nhiều nhất trên thế giới.
Các tổ chức nhân quyền nói rằng sự hạn chế không cho người Hồi giáo có hơn hai đứa con là một trong những sự vi phạm nhân quyền đối với người sắc tộc Rohingya. Người Rohingya được xem là một trong những nhóm người bị bách hại nhiều nhất trên thế giới và không được thừa nhận là công dân Miến Điện cho dù họ đã sinh sống ở đây từ nhiều đời.

Theo lời các giới chức của Human Rights Watch, khi xin phép kết hôn, người Rohingya phải ký giấy cam kết là chỉ sinh hai đứa con. Những đứa con nào vượt khỏi mức đó và những đứa con ngoại hôn sẽ không được đăng ký, và vì vậy, sẽ không được tới trường, không được giáo dục hoặc nhận được dịch vụ nào của chính phủ.

Human Rights Watch cũng cho biết những ai vi phạm luật lệ sẽ bị phạt vạ và phạt tù, và để tránh vấn đề này một số phụ nữ Rohingya đã thực hiện những vụ phá thai không an toàn.

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi hôm thứ hai đã lên tiếng bênh vực người Rohingya. Bà nói rằng sự hạn chế 2 con là có tính chất kỳ thị và là một sự vi phạm nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG