Đường dẫn truy cập

LHQ: Miến Điện nên giải quyết nhu cầu lâu dài cho người Rohingya


Trẻ em Hồi giáo Rohingya tại một trại tị nạn bên ngoài Sittwe, bang Rakhine ở Miến Ðiện, ngày 16 tháng 5, 2013
Trẻ em Hồi giáo Rohingya tại một trại tị nạn bên ngoài Sittwe, bang Rakhine ở Miến Ðiện, ngày 16 tháng 5, 2013
Liên Hiệp Quốc hối thúc Miến Điện giải quyết qui chế công dân và những nhu cầu lâu dài khác nữa của người Hồi Giáo Rohingya thiểu số. Hàng chục ngàn người Rohingya vẫn còn trong các trại tị nạn tiếp sau những vụ bạo động giữa các cộng đồng.

Cớ quan cứu trợ Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba cho biết 140.000 người vẫn còn tản cư tại bang Rakhine, phía tây Miến Điện, một năm sau khi những vụ xung đột Phật Giáo-Hồi Giáo làm khoảng 200 người thiệt mạng và làm nhiều nơi trong vùng này bị cách biệt về chủng tộc và tôn giáo.

Phúc trình cho biết việc gia tăng cứu trợ đã giải quyết được những nhu cầu tức thì của những cộng đồng bị sơ tán. Liên Hiệp Quốc nói thực phẩm hiện được phân phốâi đều đặn cho những người cần đến, có khoảng 3.000 nhà vệ sinh đang hoạt động, và những nơi tạm trú cho 71.000 người đã được xây dựng.

Tuy nhiên cơ quan này cảnh báo rằng những biện pháp này chỉ có tính chất tạm thời, và nguyên nhân căn bản của những căng thẳng cần phải được giải quyết để khôi phục hòa bình và hòa hợp lâu dài.

Cơ quan Liên Hiệp Quốc kêu gọi Miến Điện trao quyền công dân cho 800.000 người Hồi Giáo trong bang Rakhine. Cơ quan nói “hậu quả của tình trạng vô quốc tịch của những người Hồi Giáo tại Rakhine tiếp tục có ảnh hưởng trực tiếp lên những quyền căn bản của con người, và sự phát triển xã hội và kinh tế tại Miến Điện.

Dù nhiều người Rohingya đã sống tại bang Rakhine trong nhiều thập niên, họ bị từ chối cấp quốc tịch và nhiều quyền căn bản khác tại Miến Điện, nơi họ bị xem là những di dân bất hợp pháp đến từ nước láng giềng Bangladesh.

Người Rohingya cũng chịu sự phân biệt đối xử trong các chính sách của chính phủ, như là hạn chế đi lại và giới hạn hai con mà những thành viên khác trong xã hội Miến Điện không bị áp đặt.

Phúc trình ngày hôm nay của Liên Hiệp Quốc cho biết những hạn chế tiếp cận các tự do di chuyển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, sức khỏe và giáo dục.” Phúc trình cho biết thêm là có khoảng 20.000 trẻ em sơ tán đến tuổi đi học không được học trong toàn năm và không được tiếp cận giáo dục chính thức.

Các tổ chức nhân quyền cảnh báo Miến Điện gặp nguy cơ tạo ra một quốc gia chia rẽ về tôn giáo nếu không có những bước giải quyết vấn đề người tị nạn Rohingya. Tổ chức Human Rights Watch vừa mới cho biết là dân số Hồi Giáo trong thành phố Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine “đã hoàn toàn bị phân cách.”

Các giới chức Miến Điện đã cấm không cho người dân rời các trại tị nạn, cho rằng những phân cách này chỉ tạm thời và cần thiết để tránh những xáo trộn thêm nữa trong vùng.

Dù bạo động tại bang Rakhine đã lắng dịu, những vụ xung đột về giáo phái sau đó lan sang những khu vực khác của Miến Điện.

Những vụ xung đột này phần lớn mang tính chất bài xích đạo Hồi.

Những vụ xáo trộn này đe dọa phá hoại những cải cách chính trị và kinh tế do Tổng thống Thein Sein thực hiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG