Đường dẫn truy cập

Ông Michael Nguyễn nói bị Việt Nam ‘bắt cóc’ và ‘bí mật phóng thích’


Ông Michael Nguyễn đoàn tụ cùng gia đình sau khi được Việt Nam phóng thích ngày 21/10/2020. Ảnh do gia đình cung cấp thông qua Văn phòng Dân biểu Katie Porter.
Ông Michael Nguyễn đoàn tụ cùng gia đình sau khi được Việt Nam phóng thích ngày 21/10/2020. Ảnh do gia đình cung cấp thông qua Văn phòng Dân biểu Katie Porter.

Hôm 28/10, lần đầu tiên công dân Mỹ Michael Nguyễn nói về việc ông được “bí mật phóng thích”, những thử thách của ông khi bị giam cầm hơn hai năm ở Việt Nam, từ việc “bị bịt mắt”, “bắt cóc”, đến việc “bị thẩm vấn suốt 16 giờ liền trong nhiều ngày”, hay việc Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên gia đình không nên tiết lộ công khai về trường hợp của ông.

Tại cuộc họp báo trực tuyến do văn phòng Dân biểu Katie Porter thu xếp, ông Michael Nguyễn tiết lộ việc ông được Việt Nam trả tự do hôm 21/10: “Việc phóng thích tôi hoàn toàn bí mật đối với tôi cho đến khi tôi có mặt tại sân bay ở Sài Gòn”.

Ông chia sẻ những thử thách khi bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào tháng 7/2018:

“Về cơ bản, tôi đã bị bắt cóc, tôi và 3 người khác, bị bắt lên xe. Không có lý do nào được đưa ra cho tôi. Những người bắt tôi cũng không xuất trình giấy tờ. Những người mặc thường phục bắt tôi đi, họ bịt mắt, còng tay tôi, rồi đưa vào xe ôtô”.

“Tôi bị giam giữ và thẩm vấn trong 16 giờ liền, suốt trong nhiều ngày”, ông nói thêm.

Việt Nam thả công dân Mỹ bị kết án ‘lật đổ chính quyền’ trước thời hạn
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:43 0:00

Ông cho biết trong suốt 11 tháng liền ông không được tiếp xúc với luật sư bào chữa.

“Thậm chí tại tòa, họ nói với tôi rằng tôi có thể tự giải thích, nhưng khi tôi bắt đầu nói, họ đã ngăn tôi lại. Họ buộc tôi phải im lặng”, ông nói về phiên tòa ở thành phố Hồ Chí Minh xử ông 12 năm tù với cáo buộc “lật đổ chính quyền”.

Ông cho biết thêm: “Trong thời gian dài tôi bị tù, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu gia đình tôi không được nói một cách công khai về những điều [xảy ra ở Việt Nam], vì làm như vậy có thể khiến trường hợp của tôi thêm khó giải quyết. Tôi cũng sẽ làm như vậy, sẽ không nói thêm về trường hợp của mình để không ảnh hưởng đến trường hợp của người khác”.

Cũng tại buổi họp báo trực tuyến hôm 28/10, Dân biểu Katie Porter nói: “Tôi hy vọng rằng việc trả tự do này là một dấu hiệu cho thấy những điều sắp xảy ra trong mối quan hệ Việt - Mỹ, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được”.

“Phía Việt Nam gọi đây là một cử chỉ nhân đạo”, bà Porter nói thêm.

Cũng hôm 28/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam bất ngờ loan báo rằng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm hai ngày đến Hà Nội, từ ngày 29 đến 30/10, nhằm “đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao” giữa hai nước. Chuyến đi này không nằm trong lịch trình công bố trước của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Việt Nam loan báo chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:29 0:00

Dân biểu Porter nhận định rằng việc bắt giam ông Michael cho thấy “rõ ràng là chính phủ Việt Nam sợ tự do ngôn luận và sợ những người có tư tưởng tự do như ông Michael”, và rằng việc Hà Nội “bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ là thiển cận, vì như vậy cũng sẽ không ngăn cản nền dân chủ ở Việt Nam, mà chỉ trì hoãn nó thôi”.

Bà nói trong thông cáo gửi cho VOA: “Những lạm dụng này gây ra sự ngờ vực và chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vào thời điểm mà chúng ta có thể hợp tác về thương mại, an ninh và biến đổi khí hậu”.

“Dưới áp lực liên tục từ gia đình, từ Quốc hội, từ Bộ Ngoại giao Mỹ, đề nghị trả tự do cho ông Michael Nguyễn, và buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải luôn suy nghĩ về điều này và vấn đề chỉ là thời điểm mà thôi”, trang Orange County Register dẫn lời nữ dân biểu đại diện địa hạt 45 của California nói.

Trang này dẫn lời Dân biểu Alan Lowenthal, đồng chủ tịch của Uỷ ban về Việt Nam ở Hạ viện, cho biết rằng không rõ động cơ nào khiến Việt Nam thả ông Michael Nguyễn. Ông Lowenthal nhận định rằng áp lực từ các quan chức Hoa Kỳ đóng một vai trò nào đó, nhưng ông lưu ý rằng trong quá khứ, các quan chức Việt Nam đã trả tự do cho các tù nhân lương tâm khi việc phóng thích gắn liền với các vấn đề chính trị khác.

Trong một tuyên bố hôm 28/10, Dân biểu Alan Lowenthal cho biết: “Ngay từ đầu, lẽ ra không nên có chuyện bắt bớ ông Michael Nguyễn và tôi sẽ tiếp tục vận động cho nhân quyền và tù nhân lương tâm ở Việt Nam”.

Tương tự, Dân biểu Harley Rouda, ra tuyên bố: “Trường hợp của ông Michael là một lời nhắc nhở khác về sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy nhân quyền và các giá trị dân chủ ở Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo quyền con người được quốc tế công nhận được bảo vệ tại Việt Nam cho tất cả mọi người”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG