Đường dẫn truy cập

Macron tìm kiếm hành động về khí hậu sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự phiên họp toàn thể tại Hội nghị Thượng đỉnh One Planet tại hội trường Seine Musicale in Boulogne-Billancourt, gần Paris, France, ngày 12 tháng 12, 2017.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự phiên họp toàn thể tại Hội nghị Thượng đỉnh One Planet tại hội trường Seine Musicale in Boulogne-Billancourt, gần Paris, France, ngày 12 tháng 12, 2017.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang kêu gọi các nước giàu và các công ty toàn cầu dành nhiều ngân quỹ hơn để chống lại sự tăng nhiệt toàn cầu và giúp các nước nghèo ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Nhà lãnh đạo Pháp đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh "One Planet" hai năm sau khi gần 200 chính phủ nhất trí ở Paris chấm dứt sự lệ thuộc to lớn của họ vào nhiên liệu hóa thạch và hạn chế hơn nữa sự tăng nhiệt toàn cầu.

Ông Macron muốn cho thấy đang có những tiến bộ hướng tới những mục tiêu khó khăn lắm mới đạt được sau khi Tổng thống Donald Trump vào tháng Sáu nói rằng ông đang rút Mỹ ra khỏi hiệp ước.

Quyết định của ông Trump là một "lời cảnh tỉnh sâu sắc cho khu vực tư nhân" để đưa ra hành động, ông nói.

"Nếu chúng ta quyết định không xúc tiến và không thay đổi cách sản xuất, đầu tư, hành xử, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm với hàng tỉ nạn nhân," ông Macron nói với kênh truyền hình Mỹ CBS News trong một cuộc phỏng vấn phát sóng tối thứ Hai.

Dù ông Macron nói rằng các dự án cụ thể với nguồn tài chính thực sự đằng sau chúng đang thiếu, không có cam kết quốc tế có tính ràng buộc nào sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh.

Trọng tâm là làm thế nào các tổ chức tài chính công và tư có thể huy động được nhiều tiền hơn và làm thế nào các nhà đầu tư có thể gây áp lực lên các đại công ty để chuyển sang các chiến lược thân thiện hơn với môi trường.

Hơn 200 nhà đầu tư tổ chức với 26 ngàn tỉ đôla tài sản được quản lý hôm thứ Ba cho biết họ sẽ gia tăng áp lực lên các công ty phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới để chống lại biến đổi khí hậu.

Họ nói điều này sẽ hữu hiệu hơn là đe dọa ngưng đầu tư vào các công ty, bao gồm Coal India, Gazprom, Exxon Mobil và Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc.

Biến đổi khí hậu đang khiến lũ lụt, hạn hán, bão và các đợt nóng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên mức kỷ lục mới, băng biển tan ở Bắc Cực và mực nước biển dâng lên.

Các nước đang phát triển nói rằng các nước giàu đang không theo kịp một cam kết từ năm 2009 là cung cấp 100 tỉ đôla mỗi năm đến trước năm 2020 - từ các nguồn công cũng như tư - để giúp các nước này chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Hôm thứ Ba, Ủy hội Châu Âu công bố các khoản đầu tư trị giá 9 tỉ euro nhắm mục tiêu vào các thành phố bền vững, năng lượng bền vững và nông nghiệp bền vững cho Châu Phi và các nước trong khu vực.

Khoảng 50 nhà lãnh đạo và bộ trưởng thế giới sẽ đến Paris, bao gồm Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và các nguyên thủ của các nước bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu như Chad, Bolivia và Haiti.

Mỹ sẽ chỉ gửi một phái đoàn chính thức từ Đại sứ quán ở Paris, nhưng các siêu sao như Leonardo Di Caprio và Arnold Schwarzenegger cùng thống đốc bang California Jerry Brown, người lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, đang vận động cho nhiều hành động hơn nữa.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc, ông Macron đã trao 18 khoản trợ cấp tài chính cho các nhà khoa học khí hậu nước ngoài, hầu hết trong số họ hiện đang ở Mỹ, để đến làm việc tại Pháp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG