Đường dẫn truy cập

Mỹ xem xét thêm biện pháp trừng phạt Myanmar, chuẩn bị thượng đỉnh với ASEAN


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 15/12 cho biết Hoa Kỳ đang xem xét các bước bổ sung cần thực hiện để chống lại chính quyền quân sự Myanmar và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden.

Thông tin được ông Blinken đưa ra trong chuyến công du tới Malaysia. Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah của Malaysia cho biết lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh sẽ được thảo luận khi những người đồng cấp ASEAN gặp nhau vào ngày 19/1.

“Chúng tôi rất mong có một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với ASEAN vào năm tới”, Ngoại trưởng Blinken nói, và mô tả khối 10 thành viên là “thiết yếu đối với kiến trúc của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân sự do khôi nguyên Nobel Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào ngày ½. Các cuộc biểu tình và các lực lượng vũ trang phản kháng gặp phải đàn áp bạo lực từ chính quyền quân sự.

ASEAN đã và đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, một số thành viên của khối bày tỏ sự thất vọng về tiến độ chậm chạp, dẫn đến việc nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar bị loại khỏi cuộc họp gần đây của khối.

Ngoại trưởng Mỹ nói: “Điều quan trọng trong những tuần và tháng tới là xem xét những bước và biện pháp bổ sung nào mà chúng ta có thể thực hiện với cá nhân và tập thể để gây áp lực lên chế độ, đưa đất nước trở lại quỹ đạo dân chủ”.

Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo, quân đội và các doanh nghiệp của Myanmar, và tuần trước đã bổ sung các biện pháp mới.

Ông Blinken nói Hoa Kỳ tiếp tục xem xét liệu những hành động được thực hiện ở Myanmar có thể cấu thành tội ác diệt chủng hay không.

Hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya thiểu số đã chạy trốn khỏi bang Rakhine của Myanmar vào tháng 8 năm 2017 sau một cuộc đàn áp quân sự mà những người tị nạn cho rằng bao gồm những vụ giết người hàng loạt và hãm hiếp.

Người tiền nhiệm của ông Blinken, Mike Pompeo, đã được các quan chức Mỹ thúc giục chính thức tuyên bố chiến dịch đó là tội diệt chủng, nhưng ông đã chọn không thực hiện, bất chấp nhiều năm điều tra và phân tích, theo một cuộc điều tra của Reuters vào đầu năm nay.

Kể từ sau cuộc đảo chính, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), một nhóm giám sát được Liên Hiệp Quốc viện dẫn, cho biết hơn 10.900 dân thường đã bị giam giữ và hơn 1.300 người bị lực lượng an ninh giết hại.

Quân đội nói AAPP thiên vị và sử dụng dữ liệu phóng đại, và hàng trăm binh sĩ của họ cũng đã thiệt mạng.

Ngoài thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Ngoại trưởng Blinken cho biết cuộc gặp thượng đỉnh được đề xuất với ASEAN dự kiến cũng sẽ bao gồm các vấn đề như phục hồi sau đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, đầu tư và cơ sở hạ tầng.

Ông Blinken đang ở chặng thứ hai của chuyến công du Đông Nam Á. Có mặt tại Jakarta hôm 14/12, ông đã quảng bá chiến lược của Hoa Kỳ là nhằm làm sâu sắc hơn các liên minh hiệp ước châu Á, đề nghị tăng cường hợp tác quốc phòng và tình báo với các đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang ngày càng lo ngại về “các hành động hung hăng của Trung Quốc”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG