Đường dẫn truy cập

Mưa lũ miền Trung Việt Nam: ‘Rất thương tâm’


Các tỉnh miền Trung VIệt Nam thường hay gánh chịu bão lụt. Hình ảnh minh họa là một ngôi làng ở Hà Tĩnh bị cô lập trong trận lụt hồi năm 2010
Các tỉnh miền Trung VIệt Nam thường hay gánh chịu bão lụt. Hình ảnh minh họa là một ngôi làng ở Hà Tĩnh bị cô lập trong trận lụt hồi năm 2010

Một số khu vực ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ‘ngập trong mênh mông biển nước’ trong khi vẫn có những người bám trụ lại trên nóc nhà để giữ gìn tài sản, theo tìm hiểu của VOA từ những người trực tiếp chứng kiến trận lũ lớn nhất trong nhiều năm nay.

Mưa liên tục trong gần một tuần lễ do ảnh hưởng của bão số 6 đã gây ngập lụt nặng ở dải đất miền Trung Việt Nam, nhất là ở các tỉnh Bắc Trung Bộ như Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thì tính đến cuối ngày 12/10, mưa bão miền Trung khiến 40 người chết và mất tích, trong đó đa phần là bị nước lũ cuốn, ngoài ra còn có những người đi biển bị lật tàu và một vài người bị điện giật.

Riêng tỉnh Thừa Thiên-Huế - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất - có 5 người chết, 1 người mất tích và gần 63.000 ngôi nhà bị ngập, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Hiện các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam đã đề nghị chính phủ mở kho hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ khẩn cấp người dân nơi đây về gạo, lương khô, mì gói và trang thiết thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Trong lúc này, một cơn bão lớn khác, bão số 7, đang di chuyển từ Biển Đông về đất liền, dự kiến sắp đổ bộ vào các tỉnh đồng bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tiếp tục gây mưa lớn.

‘Ngập tới nóc’

“Hiện tại ở Huế trong nội thành ngập rất nhiều đến nỗi có nơi ngập đến 2-3 mét chỉ còn nhô ra nóc nhà. Rất là thương tâm,” Hòa thượng Thích Pháp Vĩnh, người vừa đi cứu trợ ở vùng lũ Thừa Thiên-Huế về, cho VOA biết.

Ông là trụ trì chùa An Bình, tỉnh Hưng Yên, vốn xuất thân từ Tổ đình Từ Hiếu ở Huế đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ đình đứng ra vận động các Phật tử tại chỗ đóng góp tiền tài để mua hàng cứu trợ gửi đến người dân vùng lũ.

“Đặc biệt ở vùng Phú Lộc, Phú Vang gần cửa biển bị ngập hết luôn. Người ta sơ tán lên sân bay hết” và những nơi ông đến cứu trợ chỉ thấy mênh mông biển nước.

“Ban ngày các thầy đi thì đa số thấy người dân ngồi trên nóc nhà, đa số là đàn ông, còn phụ nữ và các cháu nhỏ hầu như có thuyền đưa vào các nhà cao hơn như nhà lầu, nhà tầng để trú ngụ,” ông nói.

Những người đàn ông ngồi trên nóc nhà mặc áo mưa, ăn lương khô và có ghe thuyền của họ kế bên. Họ nói với ông là họ ở lại ‘để trông nom tài sản chứ để đây mấy thằng hắn lợi dụng’, chẳng hạn như lặn vào nhà ăn trộm xe máy.

Ngoài những nhà dân bị ngập hết thì cũng có những khu nhà kiên cố ‘dân đến ở đông lắm’ và ‘người dân ở đó ở chung với nhau nên cũng thiếu thốn nhiều thứ’, Hòa thượng Pháp Vĩnh cho biết thêm.

Vẫn theo lời ông, trước bão nhiều nhà đã được di tản đến những nơi cao ráo, hoặc là nhà hàng xóm hoặc là những khu di tản được chính quyền bố trí sẵn có đầy đủ tiện nghi hơn, nhưng ‘không phải ai cũng được di tản đến những chỗ đó’.

‘Trắng tay hết’

“Thầy trò lạnh run mà mình thấy người ta nước mắt đầm đìa mình cũng đầm đìa theo họ. Họ mừng lắm và nói tụi con rất biết ơn quý Thầy,” vị hòa thượng này kể lại phản ứng của người dân khi nhận được hàng cứu trợ.

“Mấy em nhỏ cầm mì gói nhai sống thấy rất thương, còn người lớn thì nói ‘Mất hết rồi, trắng tay hết rôi thầy ơi’,” ông kể và cho biết người dân vùng lũ hiện giờ ‘cần thức ăn, giấy vệ sinh, chăn ấm’.

Vị trụ trì này đã vận động được hơn 10 triệu đồng. Do đường sá xa xôi từ Hà Nội đi vào trong mùa mưa bão, nên ông từ chối không nhận hiện vật như gạo, mì mà chỉ nhận tịnh tài chuyển vào Huế mua sắm đồ cứu trợ tại chỗ.

Ông cho hay chư Tăng ở chùa Từ Hiếu đã chọn những vùng ngập lụt nặng nhất ở Huế và vùng ven như Hải Dương, Triều Dương rồi ‘dùng ghe nhỏ’ đi đến để ‘hỗ trợ mì gói, bánh trái’ chứ không đưa tiền.

Riêng những khu vực xa hay ven biển thì ‘chính quyền ngăn lại không cho đi vì sợ các thầy không đủ phương tiện an toàn’. “Những vùng đó có thuyền lớn của nhà nước đi cứu trợ và cứu người với lại cách nay 5-6 ngày, nhà nước cũng yêu cầu người dân ở đó di tản hết rồi,” ông cho biết.

‘Mưa dầm dề’

Trời đổ mưa suốt từ ngày 6/10, anh Hưng, sinh viên năm tư Đại học Y khoa Huế hiện đang cư trú ở phường Phú Hiệp, thành phố Huế, nói với VOA.

Nhà anh Hưng may mắn hơn những nhà xung quanh khi ‘chỉ bị ngập đến mắt cá’ và ‘đồ đạc trong nhà anh đều đã được kê cao nên không bị hư hại gì’.

“Ra ngoài đường có chỗ bị ngập đến cổ. Người dân dùng ghe thuyền để di chuyển,” anh Hưng kể.

Nhà nào có ghe thì dồn hết gia đình lên ghe, nhà nào di tản không kịp thì gọi vào đường dây cấp cứu của chính quyền để yêu cầu ‘đưa thuyền đến giúp sơ tán’.

So với trận lụt lịch sử ở Huế hồi năm 1999, hiện giờ Huế đã có đường cống tốt hơn mà vẫn ngập cao như vậy nên cư dân này cho rằng đợt lũ năm nay ‘rất nghiêm trọng’.

Theo lời anh, khu vực nhà anh đã bị cúp điện 4-5 ngày qua nhưng vẫn còn nước sạch trong khi một số nơi trong thành phố Huế bị cúp nước luôn.

“Mình chỉ sợ là bão thêm nữa, nước dâng cao hơn nữa thì lụt lội càng kéo dài, dân mình càng khổ,” anh than thở.

VOA Express

XS
SM
MD
LG