Đường dẫn truy cập

Luật sư: Hoãn dự luật về hội là điều tích cực


Cử tri kiến nghị Quốc hội không thông qua luật về hội
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:20 0:00

Cử tri kiến nghị Quốc hội không thông qua luật về hội

Tin tức trên báo chí Việt Nam hôm 25/10 cho hay Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đề nghị quốc hội lùi thời hạn thông qua dự thảo về hội.

Trong vài tuần gần đây, đã có một cuộc vận động trên mạng của các nhà hoạt động xã hội và luật sư đề nghị quốc hội không thông qua dự luật. Họ nói với nội dung như hiện nay, dự luật mang tính chất cấm đoán nhiều hơn là bảo đảm quyền tự do hội họp của người dân.

Luật sư Trần Vũ Hải thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội nói với VOA rằng động thái của Bộ trưởng Tân là dấu hiệu theo chiều hướng tốt:

“Cái đề nghị của ông Bộ trưởng Nội vụ cũng là thích đáng. Việc không thông qua được lần này tất nhiên là có tích cực là vì nếu thông qua luật với nội dung như vậy là hạn chế quyền lập hội. Nhưng nếu không thông qua cũng là bằng chứng rằng là quốc hội và chính quyền đã nợ người dân rất nhiều về những luật liên quan đến quyền tự do của người dân đã được Hiến pháp quy định”.

Cách đây 10 năm, dự luật về hội đã được đưa vào chương trình nghị sự của quốc hội Việt Nam, nhưng rồi đã bị "xếp lại".

Theo các nhà hoạt động xã hội bám sát quá trình soạn dự luật, dự thảo đề ngày 16/9/2016 của Bộ Nội vụ có nhiều điểm tích cực sau khi tiếp thu các ý kiến của các đại biểu quốc hội kỳ trước, của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế và của người dân.

Các nhà hoạt động đánh giá rằng mặc dù bản dự thảo đó còn nhiều điều bất cập, nhưng nó đi theo hướng tiến bộ ở chỗ thừa nhận sự hợp pháp của các hội không đăng ký, có các quy định thông thoáng về tài chính của hội, về các tổ chức phi chính phủ quốc tế, và quyền của người nước ngoài, bên cạnh một số vấn đề khác.

Tuy nhiên, theo thông tin chưa được kiểm chứng của một số nhà hoạt động và luật sư, do “có sự can thiệp của một cơ quan, chưa rõ là cơ quan nào” nên bản dự thảo mới nhất vào ngày 10/10 đã bỏ hầu hết những nội dung tiến bộ, biến thành nội dung “siết hội”.

Chỉ một tuần sau, ngày 17/10, nhiều cử tri và đại diện các hội ở Việt Nam đã đưa ra kiến nghị trên mạng kêu gọi Quốc hội không thông qua dự luật về hội.

Họ phản đối những điều khoản có tính chất hạn chế bao gồm việc hội phải được nhà chức trách cấp giấy phép và công nhận người đứng đầu, bên cạnh đó, hội không được liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài.

Dường như sức ép xã hội từ kiến nghị trên mạng cũng như ý kiến không đồng tình với dự luật từ chính một số đại biểu quốc hội đã dẫn đến việc Bộ trưởng Nội vụ vừa đề nghị hoãn thông qua dự luật.

Góp ý để bản dự thảo tiếp theo sẽ bảo đảm được quyền tự do lập hội của công dân, Luật sư Hải nêu ý kiến:

“Thứ nhất, phải sửa điều về quyền của các hội đăng ký và không đăng ký. Tách biệt hội đăng ký là theo nhu cầu sử dụng pháp nhân, còn hội không có đăng ký là không có nhu cầu về quyền pháp nhân. Đấy cũng là quyền lựa chọn lập hội của người dân. Thứ hai, thủ tục lập hội mà có pháp nhân cũng phải đơn giản, công bằng và đặc biệt là cũng không nên có sự can thiệp của chính quyền vào cái quyền đó. Và thứ ba là bỏ ngay việc cấm các tổ chức hội liên kết với nước ngoài hoặc nhận tài trợ của nước ngoài. Đây là điều trái với hội nhập quốc tế và cũng bất khả thi trong tình trạng hiện nay”.

Lúc này, công chúng và những người lập kiến nghị hoãn thông qua dự luật hy vọng rằng sẽ có bản dự thảo mới phản ánh được tinh thần tôn trọng quyền con người của Hiến pháp 2013, cụ thể là điều 25 về quyền tự do lập hội của người dân, và những cam kết chuẩn mực theo Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.

VOA Express

XS
SM
MD
LG