Đường dẫn truy cập

Luật ANM liên quan đến ‘chứng khoán xuống, đôla lên’?


Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc liên tiếp trong ngày 18 và 19/6/2018
Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc liên tiếp trong ngày 18 và 19/6/2018

Chỉ số chứng khoán chủ chốt của Việt Nam, VNIndex, hôm 19/6 giảm còn hơn 962 điểm, thấp hơn 2,2% so mốc ở đầu năm. Hai chỉ số khác, Hnx-Index và Upcom-Index, cũng mất điểm lần lượt là 4,6% và 2,6%.

Xu thế xuống dốc của các chỉ số này thể hiện trong vòng một tuần trở lại đây, nhưng trở nên rõ rệt hơn trong hai ngày qua. Sự sụt giảm chỉ riêng trong ngày 18 và 19/6 đồng nghĩa là vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam mất đi 198 nghìn tỷ đồng (hay 8,6 tỷ đôla), dẫn đến tổng giá trị thị trường hiện chỉ còn dưới 3,9 triệu tỷ đồng (168 tỷ đôla).

Cùng lúc, báo chí trong nước cho hay hôm 18/6 là ngày thứ 6 liên tếp Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm giữa tiền đồng Việt Nam và đôla Mỹ lần thứ 6 liên tiếp. Trong biên độ mua bán theo luật, 1 đôla có thể đổi được từ 21.924 đồng đến 23.280 đồng.

Ngày đầu tiên khi mà thị trường chứng khoán của Việt Nam mất khoảng 3,6 tỉ đôla là cách đây một tuần. Phần nhiều do tác động tâm lý của Luật An ninh Mạng, bởi vì lúc đó thị trường thế giới đều tăng
Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người trong đó có các nhà hoạt động chia sẻ hình ảnh bảng điện tử thị trường chứng khoán tràn ngập màu đỏ của đèn báo các mã chứng khoán giảm điểm, cũng như ảnh chụp các tít báo về tỷ giá đôla tăng.

Kèm theo các hình ảnh này là những lời bình luận như “Đây là kết quả sau một tuần thông qua Luật An ninh Mạng”, “Có phải là kết quả của Luật An ninh Mạng?”, “Sáng nay thêm gần 4 tỷ đôla nữa hy sinh để bảo vệ chế độ”, “Khi sàn chứng khoán đỏ rực, người ta biết thế nào là chính trị”.

Chỉ số VNIndex rơi xuống mốc 962 điểm hôm 19/6/2018
Chỉ số VNIndex rơi xuống mốc 962 điểm hôm 19/6/2018

​Luật An ninh Mạng, được quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/6, đã vấp phải nhiều chỉ trích từ Mỹ và một loạt các tổ chức quốc tế vì họ cho rằng luật này gia tăng hạn chế tự do biểu đạt trên không gian mạng và áp đặt những giới hạn gây phiền toái đối với các doanh nghiệp.

Trước khi luật được thông qua, báo chí Việt Nam dẫn lời Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam cho rằng luật có thể làm giảm 1,7% tăng trưởng GDP và giảm 3,1% đầu tư nước ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người cũng là một doanh nhân kỳ cựu và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, nói với VOA về sự liên quan giữa Luật An ninh Mạng và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán:

“Ngày đầu tiên khi mà thị trường chứng khoán của Việt Nam mất khoảng 3,6 tỉ đôla là cách đây một tuần. Phần nhiều do tác động tâm lý của Luật An ninh Mạng, bởi vì lúc đó thị trường thế giới đều tăng”.

Tác động mạnh nhất, gần đây nhất là quyết định của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất. Nhìn rộng hơn, có sự khởi đầu một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các cường quốc ... Nó tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên, về diễn biến đi xuống trên thị trường chứng khoán trong các ngày gần đây, tiến sĩ Quang A chỉ ra các nguyên nhân khác lớn hơn tác động tâm lý từ bộ luật đang bị nhiều chỉ trích:

“Có lẽ tác động lớn nhất là vì chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Rồi FED ở bên đó tăng lãi suất”.

Hôm 13/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 1,75-2%.

Một chuyên gia kinh tế khác, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, có nhận định gần giống ông Quang A, song khi nói với VOA, ông Hiếu nhấn mạnh nhiều hơn đến việc FED tăng lãi suất:

“Tác động mạnh nhất, gần đây nhất là quyết định của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất. Nhìn rộng hơn, có sự khởi đầu một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các cường quốc, trong đó có cả Trung Quốc và châu Âu. Nó tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu”.

Tiến sĩ Hiếu không cho rằng Luật An ninh Mạng là yếu tố chính “làm nhụt chí” nhà đầu tư khiến họ bán cổ phiếu và rút vốn ra khỏi Việt Nam, dù theo ông, họ cũng có “lo ngại nhất định” hoặc “không hài lòng” về các giới hạn tự do nêu trong luật.

Nếu có sự liên quan của luật này đến các quyết định đầu tư, điều đó mang tính chất gián tiếp, theo ông Hiếu:

“Thị trường chứng khoán rất bén nhạy với tất cả thông tin. Việc có những người dân chống đối, những vấn đề như phá phách công sở tại Việt Nam, như ở Bình Thuận, có thể làm nhà đầu tư lo ngại, từ đó họ bán cổ phiếu của họ”.

Các cuộc biểu tình lớn nhỏ đã nổ ra ở một loạt các tỉnh, thành trên cả nước khi hàng ngàn người dân phản đối hai dự luật về đặc khu kinh tế và an ninh mạng trong các ngày 10 và 11/6. Riêng ở Bình Thuận, biểu tình đã biến thành bạo loạn.

Tuần hành liên quan đến dự luật đặc khu và luật an ninh mạng tiếp tục diễn ra ở Nghệ An và Hà Tĩnh hôm 17/6, trong khi vào cùng ngày, công an ở trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh – đã bắt gần 200 người để ngăn chặn biểu tình.

Trong bối cảnh chính trị-xã hội Việt Nam lẫn tình hình quốc tế đang có những diễn biến mang tính bất ổn, một số chuyên gia đưa ra nhận định rằng trong thời gian tới thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giảm về 900 điểm hoặc thấp hơn. Tiến sĩ Hiếu nói với VOA rằng 900 sẽ là “mức quân bình” của thị trường.

VOA Express

XS
SM
MD
LG