Đường dẫn truy cập

LS Lê Quốc Quân: ‘2 bộ trưởng ăn hối lộ 3,2 triệu USD là cái tát vào ĐCS’


Hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn
Hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn

Hai cựu bộ trưởng thông tin-truyền thông của Việt Nam thừa nhận với công an rằng họ đã nhận hối lộ ít nhất 3,2 triệu đô la liên quan đến thương vụ Mobifone mua lại AVG, các báo trong nước đưa tin hôm 3/9.

Bình luận về thông tin gây chấn động dư luận này, luật sư Lê Quốc Quân, một cựu tù nhân lương tâm, nói với VOA rằng việc hai bộ trưởng nhận hối lộ khi còn đương chức trong khi vẫn rao giảng về “không diễn biến”, “không tự chuyển hóa”, chẳng khác nào là “một cái tát vào mặt Đảng Cộng sản”.

Tường thuật trên Tuổi Trẻ, Tiền Phong và các báo khác cho hay cảnh sát điều tra của Bộ Công an mới đây đề nghị truy tố ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, cả hai từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, về hai tội danh "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ". Hai cựu bộ trưởng bị bắt giữ hồi cuối tháng 2 năm nay.

Ông Son giữ chức bộ trưởng từ năm 2011 đến năm 2016, và ông Tuấn từ năm 2016 cho đến khi ông bị cách chức hồi năm 2018.

Vụ việc làm hai ông Son, Tuấn xộ khám là dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone trực thuộc bộ của hai ông vào cuối năm 2015 mua 95% cổ phần của AVG, một công ty tư nhân cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với tổng số tiền bỏ ra là gần 8,9 ngàn tỉ đồng (386,1 triệu đôla).

Hồi tháng 3 và 4 năm ngoái, Thanh tra Chính phủ ra các kết luận cho rằng AVG chỉ có giá trị ròng khoảng 1.900 tỷ đồng, vì vậy, việc MobiFone mua lại hãng này với số tiền kể trên dẫn đến "nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng".

... vụ này được các cơ quan chức năng đưa ra các con số như thế rồi, cho nên là án thì cũng phải tương đối chứ không nói chuyện là nhẹ hay án treo hay ít được.
Luật sư Lê Quốc Quân


Các bản tin hôm 3/9 dẫn lại thông tin từ công an cho biết ông Nguyễn Bắc Son là người đã “chỉ đạo ra quyết định phê duyệt đầu tư dự án trái pháp luật”, và nhận hối lộ 3 triệu đô la từ ông Phạm Nhật Vũ, chủ của AVG, sau khi dự án hoàn thành. Ông Vũ cũng là em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người sở hữu tập đoàn Vin Com.

Cũng ở thời điểm sau khi dự án mua bán hoàn tất, ông Trương Minh Tuấn, khi đó giữ chức thứ trưởng, đã được ông Vũ trao số tiền hối lộ là 200.000 đô la, theo lời khai của ông Tuấn, được cảnh sát điều tra công bố qua các bản tin hôm 3/9.

Vẫn theo bản tin thì cựu Bộ trưởng Son khai với cảnh sát rằng sau khi nhận 3 triệu đô la, ông đã “đưa cho con gái” khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 đô la, “nhưng không có tài liệu gì chứng minh”.

Ông Son còn khai thêm ông đã nhận số tiền tương đương ít nhất 210.000 đô la từ các cựu lãnh đạo MobiFone vào các dịp lễ, tết năm 2015 và 2016.

Tổng số tiền hối lộ lên đến gần 3,5 triệu đô la mà hai cựu bộ trưởng nhận được gây xôn xao trên mạng xã hội ở Việt Nam, đất nước có GDP đầu người mỗi năm chỉ từ khoảng 2.600 đến 3.000 đô la, theo các cách tính khác nhau, chưa bằng 1 phần nghìn số tiền hai ông Son, Tuấn đút túi bất hợp pháp.

Nếu Đảng Cộng sản muốn có logic và nguyên lý, nếu người ta muốn trị tận cùng thì những cái tay như thế còn viết sách chống tự diễn biến các thứ thì đáng mức án nặng lắm. Nếu những con người [cộng sản] có quyết tâm thì người ta thấy đây là một sự sỉ nhục, là cái tát vào mặt Đảng Cộng sản.
Luật sư Lê Quốc Quân


Dư luận cũng chỉ ra điều mỉa mai liên quan đến vụ việc là cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn từng tuyên bố “Tết này tôi không nhận quà” và là chủ biên cuốn sách về phòng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, vậy mà ông ta vẫn nhận số tiền hối lộ rất lớn.

Theo các tài liệu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, một phần khái niệm “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là việc cán bộ, đảng viên “bị những cám dỗ và ham muốn tầm thường lay chuyển; tôn sùng lối sống thực dụng, hưởng thụ, thu vén lợi ích cá nhân, gia đình mà quên đi bổn phận và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”.

Luật sư Lê Quốc Quân, người từng bị bỏ tù vì bất đồng chính kiến, bình luận với VOA:

“Nếu như người ta [Đảng Cộng sản] muốn có logic và nguyên lý, nếu người ta muốn trị tận cùng thì những cái tay như thế còn viết sách chống tự diễn biến các thứ thì đáng mức án nặng lắm. Nếu những con người [cộng sản] có quyết tâm thì người ta thấy đây là một sự sỉ nhục, là cái tát vào mặt Đảng Cộng sản”.

Tin tức hôm 3/9 nói ngoài hai cựu bộ trưởng Son, Tuấn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn đề nghị truy tố 12 bị can khác, trong đó có ông Phạm Nhật Vũ, với 3 tội danh "Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ". Trong số các bị can đó có nhiều cựu lãnh đạo của MobiFone.

Nhận định về khả năng nhà chức trách thu hồi số tiền hối lộ, luật sư Lê Quốc Quân nói nếu họ có quyết tâm, việc xác định giá trị tài sản hay đường đi của đồng tiền không phải là việc quá khó khăn. Nhưng ông cho rằng có thể có những điều “tế nhị” khác liên quan đến các mức án có thể đặt ra với các cựu quan chức. Ông Quân nói với VOA:

“Sẽ có chuyện trao đổi hay mặc cả hay giảm nhẹ hình phạt do công trạng. Tuy nhiên, vụ này được các cơ quan chức năng đưa ra các con số như thế rồi, cho nên là án thì cũng phải tương đối chứ không nói chuyện là nhẹ hay án treo hay ít được”.

Luật sư từng bị bỏ tù vì bất đồng chính kiến bình luận thêm rằng tuy chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản đang gia tăng với các quan chức ngày càng cao cấp hơn bị truy tố, song nạn tham nhũng sinh ra và không thể bị đẩy lùi là do “cơ chế”.

Ông Quân khẳng định “đến một công chức bình thường cũng không thể sống ở mức lương tối thiểu”, nhưng trên thực tế, theo vị luật sư, tất cả các quan chức trong bộ máy nhà nước là “người giàu có” và nếu chiến dịch chống tham nhũng “đụng đến ai thì người đó dính thôi”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG