Đường dẫn truy cập

LHQ: Số người tị nạn cao kỷ lục trong năm 2011


Số người trở thành người tị nạn trong năm 2012 là nhiều nhất kể từ đầu thế kỷ này
Số người trở thành người tị nạn trong năm 2012 là nhiều nhất kể từ đầu thế kỷ này
Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) nói xung đột trên toàn thế giới trong năm 2011 đã buộc 800.000 người phải vượt biên giới, một con số cao số kỷ lục. Báo cáo Xu thế Toàn cầu 2011 của Cao ủy tị nạn ghi nhận tình hình của người tị nạn và người phải dời cư trong nước để lánh nạn. Báo cáo cho hay số người trở thành người tị nạn trong năm qua là nhiều nhất kể từ đầu thế kỷ này. Bản báo cáo được công bố trước ngày Thế giới vì Người Tị Nạn 20 tháng 6. Từ Geneva, thông tín viên Lisa Schlein gởi về bài tường thuật sau đây.
Số liệu về người tị nạn

- 42,5 triệu người bị buộc phải dời cư trên khắp thế giới.
- 4,3 triệu người mới bị dời cư năm 2011.
- 46% trong số những người tị nạn dưới 18 tuổi.
- Afghanistan dẫn đầu trong số các nước gốc của người tị nạn.
- Pakistan cung cấp nơi tạm trú cho nhiều người tị nạn nhất thế giới.
-532000 người tị nạn tự nguyện hồi hương năm 2011.


Nguồn: Phủ Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc

Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc nói đến cuối năm 2011 có tới 42.5 triệu người tị nạn, người buộc phải dời cư trong nước và người xin tị nạn chính trị. Bản báo cáo lần đầu tiên nêu lên các chi tiết của tình trạng dời cư bắt buộc phát sinh từ hàng loạt những cuộc khủng hoảng nhân đạo và chính trị đã bắt đầu ở Bờ Biển Ngà hồi cuối năm 2010. Báo cáo cho biết sau đó là những phong trào phản đối những chế độ độc tài hủ bại ở Tunisia, Libya, Ai Cập và Syria. Phong trào Mùa xuân Ả rập gây nên tình trạng rối loạn mà mức độ ảnh hưởng ngang bằng, và ở nhiều mặt, còn vượt cả hạn hán và nạn đói ở vùng Sừng Châu Phi làm ảnh hưởng hơn 12 triệu người.

Cao ủy trưởng Cao ủy tị nạn, ông Antonio Guterres, nói rằng những người phải rời bỏ nhà cửa vì những thảm cảnh này tiêu biểu cho sự thống khổ của con người trên qui mô lớn, nhưng điều không may là tình hình năm 2012 cũng không sáng sủa gì hơn năm 2011.

Ông Guterres nói: “Tôi không nhớ trong nhiệm kỳ làm cao ủy của mình đã từng chứng kiến ba cuộc khủng hoảng tị nạn khổng lồ và trầm trọng xảy ra cùng lúc như chúng ta đang có ở Syria, Sudan-Nam Sudan và Mali. Có hơn 80.000 người tị nạn đã rời bỏ Syria, 190.000 người chạy khỏi Sudan vào Nam Sudan và Ethiopia, và 190.000 người thoát khỏi Mali đến Mauritania, Niger và Burkina Faso, chưa kể một số ít khác chạy sang tị nạn ở Algeria.”

Bản báo cáo theo dõi những xu thế đáng lo ngại trong suốt 10 năm qua, trong đó có việc dời cư bắt buộc hiện đang tác động đến rất nhiều người trên toàn thế giới. Một xu thế đáng lo ngại khác là người tị nạn có thể sẽ phải làm người tị nạn trong nhiều năm.

Báo cáo cho hay gần 3/4 trong số 10.4 triệu người tị nạn thuộc thẩm quyền của Cao ủy tị nạn đang sống trong tình trạng lưu vong kéo dài ít nhất là 5 năm.

Ông Guterres nói trái ngược với quan niệm phổ biến ở những nước công nghiệp hóa, 80% người tị nạn trên toàn thế giới đang tạm trú ở những nước đang phát triển.

Ông nói sự hiện diện của hàng trăm ngàn người tị nạn ở những nước nghèo tác động to lớn đến nền kinh tế và xã hội của những nước này.

Ông Guterres nói: "Tôi không muốn nói đến từ “gánh nặng”, bởi vì các nước làm việc này vì lòng tốt. Họ mở cửa biên giới, mở cửa thành phố và đôi lúc còn mở rộng tấm lòng để trợ giúp những người cần được giúp đỡ. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng đối với những nước đang đối mặt với khó khăn rất lớn về kinh tế, với mức độ phát triển thấp, sự hiện diện của người tị nạn có tác động rất đáng kể. Và tác động đó đòi hỏi rất nhiều sự đoàn kết quốc tế, không chỉ là hợp tác phát triển kinh tế mà còn là cơ hội được tái định cư ở những nước phát triển.”

Ông Guterres nói năm ngoái 60.000 người tị nạn ở những nước tạm cư đã được sang tái định cư ở những nước công nghiệp hóa, phần đông ở Mỹ, Canada và Australia.

Báo cáo nói Afghanistan vẫn là nước phát xuất của nhiều người tị nạn nhất, với 2.7 triệu người sống lưu vong, theo sau là Iraq, Somalia, Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Bản báo cáo ước tính khoảng 12 triệu người không quốc gia khắp thế giới tiếp tục bị tước đoạt các quyền cơ bản của công dân của một nước.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG