Đường dẫn truy cập

LHQ: Châu Âu đối mặt với khủng hoảng nhân đạo tự gây ra


Di dân ngồi nghỉ dưới một gốc cây tại Quảng trường Victoria ở Athens, Hy Lạp, ngày 1/3/2016.
Di dân ngồi nghỉ dưới một gốc cây tại Quảng trường Victoria ở Athens, Hy Lạp, ngày 1/3/2016.

Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba cảnh báo rằng châu Âu đang ở gần một "cuộc khủng hoảng nhân đạo tự gây ra" vì các chính phủ đang áp đặt các hạn chế biên giới và không làm việc với nhau vào lúc những người di cư tiếp tục đến châu lục này.

Ông Adrian Edwards, phát ngôn viên của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc, cho biết hơn 130.000 người đã vượt qua Địa Trung Hải trong năm nay, hầu hết là đến Hy Lạp. Con số tổng cộng của hai tháng gần bằng con số của sáu tháng đầu năm ngoái.

Khoảng 24.000 người tị nạn và di dân cần nơi trú ngụ ở Hy Lạp, trong khoảng 8.500 người đang tập trung sát biên giới với Macedonia.

Cảnh sát Macedonia đã bắn hơi cay để đẩy lùi những người tị nạn đang cố gắng để vượt qua biên giới từ Hy Lạp hôm thứ Hai, khi xảy ra các vụ đụng độ mới nhất giữa những người tìm cách đi xuyên qua châu Âu và các chính phủ đang cố gắng kiểm soát dòng người đổ vào lãnh thổ của họ.

Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc thúc giục Hy Lạp và các nước Balkan nhanh chóng hành động để ngăn chặn một thảm họa.

Ông Edwards nói các quốc gia châu Âu năm ngoái cam kết nhận hơn 66.000 người tị nạn đến Hy Lạp, nhưng cho đến nay chỉ có 325 cuộc tái định cư được thực hiện. Ông cho rằng Hy Lạp không thể tự họ quản lý được tình hình.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đang thăm Áo hôm thứ Ba như là trong khuôn khổ chuyến công du 5 nước để bàn thảo cách thức xử lý cuộc khủng hoảng di cư.

Áo vẫn giữ vững chính sách của họ là giới hạn mức trần số lượng người di cư họ cho phép được nước này. Điều đó, kết hợp với các biện pháp do các nước khác ở Nam Âu dọc theo tuyến đường di cư, đã dẫn đến những vụ tắc nghẽn tại các biên giới. Những hạn chế này đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các tổ chức nhân quyền, Liên Hiệp Quốc và những nước khác trong EU, đặc biệt là Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói hôm thứ Hai: "Khi một nước đặt ra giới hạn của mình, nước khác lại phải trả giá. Đó không phải là châu Âu của tôi."

Bà nói một giải pháp EU không thể thực hiện được theo cách thức bỏ mặc Hy Lạp, nơi có hơn 100.000 người di cư đã đến trong năm nay.

Ông Tusk sẽ kết thúc chuyên đi tại Hy Lạp sau khi các chặng dừng chân tại Slovenia, Croatia và Macedonia.

Tuần tới, EU sẽ họp thượng đỉnh với Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia mà EU đã gây sức ép phải giúp ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Đông sang châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG