Đường dẫn truy cập

LHQ: Nạn buôn ma túy tổng hợp ở Châu Á gia tăng


Cảnh sát Thái Lan bên cạnh những bọc chứa ma tuý ở tỉnh Ayutthaya, phía bắc Bangkok, Thái Lan, 24/6/2011.
Cảnh sát Thái Lan bên cạnh những bọc chứa ma tuý ở tỉnh Ayutthaya, phía bắc Bangkok, Thái Lan, 24/6/2011.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết nạn buôn lậu ma tuý tổng hợp đang gia tăng khắp vùng Đông Nam Á, một phần vì nhu cầu gia tăng và một phần vì sự phổ biến của Internet. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, tại cuộc hội thảo vào thứ Ba ở Thái Lan, giới hữu trách kêu gọi tăng cường việc kiểm soát những hoá chất chính dùng để sản xuất những loại ma tuý này.

Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma tuý và Tội phạm (UNOCD) cho biết tại Đông Á và Đông Nam Á việc sản xuất và buôn lậu ma tuý đang nới rộng và đa dạng hoá, với sự thúc đẩy của các loại ma tuý tổng hợp mới nằm ngoài sự kiểm soát quốc tế.

UNOCD nói rằng cần phải ngăn chặn để cho các loại hoá chất hợp pháp không bị chuyển đổi để sản xuất ma tuý.

Ông Jeremy Doughlas, đại diện khu vực của UNOCD ở Châu Á, hôm thứ Ba cho biết nạn ma tuý ở khu vực này đã trở nên nghiêm trọng hơn. Ông phát biểu như sau trong bài diễn thuyết trước hơn 200 viên chức chính phủ cấp cao đến từ 39 quốc gia.

Ông Doughlas nói: "Điều quan trọng là cuộc hội thảo diễn ra ở Châu Á, là nơi mà hầu hết các hoá chất đầu nguồn được sản xuất và là nơi, như các chuyên gia đã nói, là nơi những hoạt động sản xuất ma tuý qui mô lớn đang diễn ra. Nếu muốn đạt được tiến bộ trong tình hình sản xuất ma tuý ở đây và ở những khu vực khác chúng ta cần phải có sự kiểm soát quốc tế hữu hiệu."

Tại Đông Nam Á, giới hữu trách nói rằng Myanmar là nơi sản xuất ma tuý tổng hợp nhiều nhất, và những tay buôn lậu nhập lậu hoá chất đầu nguồn vào nước này và sau đó vận chuyển ma tuý qua những đường biên giới khó kiểm soát để vào các thị trường Trung Quốc, Thái Lan và những nơi khác.

Bộ trưởng Thái Lan Paiboon Kommchaya nói rằng tuy có những mối quan tâm về ma tuý tổng hợp, dường như không có nhiều tiến bộ trong việc kiểm soát các loại hoá chất đầu nguồn.

Myanmar là nơi sản xuất ma tuý tổng hợp nhiều nhất.
Myanmar là nơi sản xuất ma tuý tổng hợp nhiều nhất.

Ông Paiboon phát biểu như sau qua lời một thông dịch viên: "Năm 2013 chúng ta đã nâng cao nhận thức của tất cả các nước nhưng chúng ta chưa có một biện pháp rõ ràng về vấn đề các nước sản xuất, các nước nhập khẩu và tất cả các bên liên quan sẽ làm thế nào để kiểm soát hoá chất đầu nguồn một cách hữu hiệu trong khu vực của chúng ta."

Các giới chức chấp hành luật ma tuý của Liên Hiệp Quốc nói rằng có hàng trăm loại ma tuý tổng hợp mới, được gọi tắt là NPS, nhưng chỉ có 10 loại được ghi vào danh sách các loại thuốc được kiểm soát để hạn chế việc mua bán.

Điều này có nghĩa là nhiều băng đảng tội phạm dùng Onternet để rao bán các loại ma tuý đó trên mạng, tạo ra một thách thức lớn cho giới chấp hành luật pháp.

Ông Douglas của UNODC nói với đài VOA rằng cần có thêm những biện pháp kiểm soát trong nước để ngăn chận việc vận chuyển lậu những loại hoá chất dùng để sản xuất ma tuý.

Các giới chức tham dự cuộc họp ở Bangkok đang ra sức hình thành một chính sách khu vực để ứng phó với vấn đề này và để siết chặt các hoạt động kiểm soát biên giới. Các chính sách này đang được chuẩn bị cho Phiên họp Đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2016 về vấn đề buôn lậu ma tuý trên toàn thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG