Đường dẫn truy cập

VN sắp ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch tả lợn?


Theo FAO, dịch tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh cho con người. Tuy nhiên, virus này gây tử vong cho lợn nuôi và lợn rừng.
Theo FAO, dịch tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh cho con người. Tuy nhiên, virus này gây tử vong cho lợn nuôi và lợn rừng.

Một cơ quan của Liên Hợp Quốc hôm 19/3 kêu gọi Việt Nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch tả lợn châu Phi.

Khuyến nghị của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) được đưa ra sau khi cơ quan này phối hợp với tổ chức Thú y Thế giới, đánh giá khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi nhằm tăng cường khả năng ứng phó của Việt Nam.

Tới sáng ngày 20/3, Việt Nam chưa có phản ứng đối với khuyến nghị của FAO về việc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo thông cáo của FAO, sau một tháng bùng phát dịch tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, tới ngày 15/3, Cục Thú y Việt Nam xác nhận rằng hiện có 239 ổ dịch tại 17 tỉnh và hơn 25 nghìn con lợn đã bị tiêu hủy.

Ngoài việc kêu gọi Việt Nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc còn tư vấn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các biện pháp tốt nhất để xử lý và tiêu hủy lợn cũng như ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi.

“Cục Chăn nuôi ước tính hiện có hơn 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn tại Việt Nam. Do vậy, khi đàn lợn buộc phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp kiểm soát dịch sẽ dẫn tới gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình ở vùng nông thôn”, ông Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, nói.

Ông nói thêm rằng “cùng với các đối tác quốc tế khác, FAO sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ chính phủ Việt Nam đối phó với dịch bệnh này và giảm thiểu hậu quả”.

Theo FAO, dịch tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh cho con người. Tuy nhiên, virus này gây tử vong cho lợn nuôi và lợn rừng. Bệnh này trước kia chỉ giới hạn ở khu vực châu Phi với một vài ổ dịch từng xảy ra ở châu Âu.

Trung Quốc đã công bố ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào tháng 8 năm 2018, và kể từ đó nó đã lan truyền nhanh trong lãnh thổ quốc gia đông dân nhất thế giới, bất chấp những nỗ lực và biện pháp chống dịch mà Cục Thú y Trung Quốc thực hiện, theo FAO.

VOA Express

XS
SM
MD
LG