Đường dẫn truy cập

LHQ: Gần 19.000 thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến với IS ở Iraq


Những ngôi nhà bị phá hủy tại thành phố Ramadi, Iraq, ngày 16/1/2016.
Những ngôi nhà bị phá hủy tại thành phố Ramadi, Iraq, ngày 16/1/2016.

Một bản phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc cho biết cuộc chiến tranh ở Iraq với nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo đã gây tử vong cho hơn 18.800 thường dân và gây thương tích cho hơn 36.000 người từ tháng giêng năm 2014 cho tới tháng 10 năm 2015. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneve, thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA gởi về bài tường thuật.

Bản phúc trình, phần lớn dựa trên lời khai của các nạn nhân, những người sống sót và những người mục kích, cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 năm ngoái, gần 4.000 thường dân đã bị thiệt mạng và hơn 7.000 người bị thương. Khoảng phân nửa số tử vong đó xảy ra ở thủ đô Baghdad.

Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho đài VOA biết rằng những con số đó không phản ánh một cách đầy đủ những gì đang xảy ra ở Iraq.

Các lực lượng an ninh Iraq và chiến binh bộ tộc Sunni sơ tán một phụ nữ bị Nhà nước Hồi giáo bắn bị thương.
Các lực lượng an ninh Iraq và chiến binh bộ tộc Sunni sơ tán một phụ nữ bị Nhà nước Hồi giáo bắn bị thương.

Bà Shamsadi nói: "Những con số này chỉ bao gồm những người bị thiệt mạng một cách trực tiếp vì bạo động. Nó không bao gồm vô số những người khác bị thiệt mạng vì không có được những nhu yếu phẩm như thức ăn, nước uống và chăm sóc sức khoẻ. Và quí vị cũng nên nhớ là tình hình an ninh ở Iraq làm cho chúng tôi không thể làm nhiều chuyện mà chúng tôi cần làm. Do đó, con số những người bị thiệt mạng một cách trực tiếp vì bạo động có thể còn cao hơn rất nhiều so với con số mà chúng tôi ghi nhận được."

Các giám sát viên của Liên Hiệp Quốc cho rằng hầu hết những cái chết này là do nhóm Nhà nước Hồi giáo gây ra. Họ nói rằng các nạn nhân bao gồm những người bị cho là chống đối ý thức hệ và sự cai trị của nhóm khủng bố này, chẳng hạn như công chức, bác sĩ, luật sư, nhà báo cùng với các nhân vật lãnh đạo bộ tộc và tôn giáo. Họ cho biết phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu những hành vi bạo động tình dục, nhất là dưới hình thức nô lệ tình dục.

Phúc trình nói rằng những người bị kết tội bởi toà án do nhóm Nhà nước Hồi giáo lập ra phải gánh chịu những loại hình phạt như bị ném đá cho tới chết hoặc bị chặt chân chặt tay. Văn kiện này ghi lại chi tiết của những vụ xử tử công khai, kể cả xử bắn, chặt đầu, dùng xe ủi cán chết, thiêu sống và bị vất xuống đất từ nóc nhà cao tầng.

Họ cho biết phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu những hành vi bạo động tình dục, nhất là dưới hình thức nô lệ tình dục. (Ảnh tư liệu)
Họ cho biết phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu những hành vi bạo động tình dục, nhất là dưới hình thức nô lệ tình dục. (Ảnh tư liệu)

Bà Shamdasani nói một số hành vi bạo lực cấu thành tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Bà cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo tấn công các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo một cách có hệ thống, trong đó có nhóm thiểu số Yazadi thu hút sự chú tâm của nhiều người.

Bà Shamdasani cho biết: "Những người này bị buộc phải cải đạo nếu không muốn bị giết. Do đó, có thể nói rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo có ý đồ huỷ diệt một cách có hệ thống một bộ phận hoặc toàn thể những người của một cộng đồng. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi phải gióng lên tiếng chuông báo động. Việc này có thể cấu thành tội diệt chủng, một tội ác quốc tế nghiêm trọng."

Liên Hiệp Quốc cũng nhận thấy các lực lượng thân chính phủ đã vi phạm hoặc chà đạp nhân quyền và cho biết họ nhận được báo cáo về những vụ giết người bừa bãi và bắt người trái phép mà các lực lượng này đã thực hiện. Họ ghi nhận rằng một số vụ trong những vụ đó là những hành động trả đũa nhắm vào những người bị nghi ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG