Đường dẫn truy cập

Cảnh báo nạn béo phì, suy dinh dưỡng của trẻ em Đông Nam Á


Trẻ em tập thể dục trong một trại hè giảm cân ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Trẻ em tập thể dục trong một trại hè giảm cân ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Một bản phúc trình mới của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng Đông Nam Á đang đối mặt với một vụ khủng hoảng dinh dưỡng trẻ em, trong đó số trẻ thiếu dinh dưỡng và số trẻ béo phì tiếp tục gia tăng bất chấp sự phát triển của kinh tế trong vài thập niên qua. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, hai cơ quan thế giới này kêu gọi các chính phủ tăng cường việc kiểm soát các loại thức ăn thức uống dành cho trẻ em để giảm bớt nạn béo phì và ra sức giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng làm cho trẻ em nghèo bị còi.

Bản phúc trình chung của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới, công bố ngày hôm nay, cho biết Đông Nam Á đối mặt với sự gia tăng của chi phí y tế vì nạn suy dinh dưỡng và nạn béo phì ở trẻ em – một gánh nặng kép mỗi ngày một lớn tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, là những nước có mức thu nhập trung bình.

Phúc trình cho biết chỉ riêng ở Indonesia nạn suy dinh dưỡng phương hại tới sự phát triển của trẻ em, dẫn tới những chứng bệnh thuộc loại không truyền nhiễm với tổn phí hàng năm lên tới 248 tỉ đô la.

Bà Dorothy Foote, một chuyên gia về dinh dưỡng của UNICEF, gọi những vấn đề này là “một vụ khủng hoảng bắt đầu phát triển” có liên hệ tới tình trạng dinh dưỡng trẻ em và tình trạng dinh dưỡng nói chung.

Bà Foote cho biết: "Tại UNICEF, chúng tôi đặc biệt quan tâm về trẻ em, nhưng nói chung thì chúng ta đang có một vụ khủng hoảng. Vụ khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng chẳng những tới các gia đình và các cộng đồng mà còn ảnh hưởng tới các chính phủ và các xã hội, và cái giá phải trả cho gánh nặng kép này là vô cùng to lớn".

Các cuộc khảo sát trong bản phúc trình này cho thấy tại hầu hết các nước số trẻ em béo phì và số trẻ em thiếu dinh dưỡng có tỉ lệ gần bằng nhau.

Tại Indonesia, trẻ em bị béo phì và trẻ em thiếu dinh dưỡng có tỉ lệ tương đương nhau là 12%. Tại Thái Lan, phúc trình cho biết xu hướng đang gia tăng với nạn thiêu dinh dưỡng ảnh hưởng tới 7% trẻ em trong khi 11% trẻ em bị béo phì.

Bà Foote cho biết vẫn còn “một gánh nặng hết sức to lớn của tình trạng thiếu dinh dưỡng, cả kinh niên lẫn cấp tính.” Mức độ còi cọc của trẻ em đặc biệt nghiêm trọng. Lào có tỉ lệ trẻ em còi cọc cao nhất với 44%. Những tỉ lệ cao cũng được ghi nhận ở Campuchia, Myanmar, Philippines và Indonesia.

Phúc trình cho biết khoảng 3/4, tức là 12 triệu trong số 17 triệu trẻ em còi cọc ở Đông Nam Á, sinh sống tại Indonesia và Philippines.

Bà Foote nói rằng không có đủ dinh dưỡng ảnh hưởng tới chiều cao và sự phát triển khác của thể chất.

Trong khi đó, Đông Nam Á cũng đối mặt với sự tăng vọt của số trẻ em béo phì.

Lý do chính của việc này, theo bản phúc trình, là có sự gia tăng của các loại thực phẩm chế biến và những loại thức uống có nhiều chất béo hoặc đường mà không có giá trị dinh dưỡng. Bản phúc trình cũng nêu ra vấn đề thiếu hoạt động thể chất và lối sống chỉ thích ngồi yên một chỗ.

Những xu hướng đáng lo ngại này đã xuất hiện, mặc dù khu vực Đông Nam Á có sự tăng trưởng kinh tế rất khả quan và được xem là một trong những động cơ chính của tăng trưởng kinh tế thế giới. Mặc dù các số liệu phát triển tổng thể có tính chất tích cực, những sự chênh lệch giàu nghèo lại mỗi ngày một tăng.

Bà Foote cho biết ảnh hưởng của sự mất quân bình về thu nhập đối với tình trạng dinh dưỡng có thể nhận thấy trên khắp khu vực.

Bà Foote nói: "Những gì mà chúng tôi nhận thấy là sự hiểu biết về những gì cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em và những gì là bình thường trong sự phát triển lành mạnh của trẻ em vẫn còn ở mức rất thấp trong dân chúng nói chung và ngay cả ở những người làm ra quyết định và những nhà lãnh đạo".

Phát triển kinh tế đã làm cho những loại thức ăn không lành mạnh xuất hiện nhiều hơn ở các khu vực nông thôn.

Bà Foote nhận xét thêm: "Kết quả là chúng tôi nhận thấy những cách thức nuôi con không đúng cách, nhất là đối với những em bé dưới hai tuổi, làm cho tình trạng suy dinh dưỡng tiếp tục ở mức cao trong khi tỉ lệ trẻ em béo phì hoặc quá cân mỗi lúc một tăng".

Phúc trình của UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng các chính phủ cần tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động tiếp thị của các loại thức ăn thiếu lành mạnh và những loại thức uống có đường cho trẻ em và hạn chế việc cung ứng hay mua bán các loại thực phẩm đó tại trường học.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG