Đường dẫn truy cập

LHQ cảnh báo về tình trạng mất quân bình giới tính tại châu Á


Trung Quốc là nước chính góp phần vào tình trạng ngày càng mất quân bình với mức trẻ em trai vượt xa trẻ em gái
Trung Quốc là nước chính góp phần vào tình trạng ngày càng mất quân bình với mức trẻ em trai vượt xa trẻ em gái
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về tình trạng mất quân bình giới tính nói rằng việc các bậc cha mẹ vẫn thích sinh con trai, nhất là ở Ấn Ðộ và Trung Quốc, đang đưa tới con số ngày càng nhiều gia đình chọn giới tính con ngay từ lúc đang mang thai. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, các nhà khảo cứu cảnh báo rằng hiện tượng này đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều nước.

Bản phúc trình mới của Quỹ Dân số Thế giới nói rằng tập tục chọn giới tính con đang có dấu hiệu gia tăng ở Ðông nam châu Á cũng như ở Bangladesh và Afghanistan và các nước Ðông Âu như Albania, Armenia, Azerbaijan, Gruzia và Montenegro.

Bản phúc trình công bố nhân dịp Hội nghị Dân số châu Á nói rằng các tập tục chọn giới tính đã đưa đến kết quả là một xu hướng đáng ngại về việc “nam giới hóa dân số” trong các khu vực và sẽ có tác động tiêu cực đến các cộng đồng trong ít nhất 5 thập niên.

Việc chọn sinh con trai đã bị thôi thúc do các tập quán địa phương, sự tiếp cận với kỹ thuật siêu âm y học, và các chính sách của các chính phủ hạn chế số con trong gia đình.

Việc phụ nữ Ấn Ðộ thích sinh con trai đã là một tập tục từ xưa đến nay.
Việc phụ nữ Ấn Ðộ thích sinh con trai đã là một tập tục từ xưa đến nay.
Vào năm 2010, các nhà khảo cứu ước tính khoảng cách biệt giới tính vào khoảng 117 triệu phụ nữ bị “thiếu hụt” phần lớn tại Trung Quốc và Ấn Ðộ. Các nhà khảo cứu nói điều đó có nghĩa là đến năm 2030, ở các nước đó số đàn ông có thể cao hơn 50 phần trăm so với số phụ nữ trong giới ở tuổi kết hôn.

Tác giả bản phúc trình, ông Christophe Guilmoto, một học giả kỳ cựu tại Trung Tâm Dân số và Phát triển có trụ sở ở Paris, nói rằng các nhà hoạch định chính sách phải tập trung vào việc giải quyết số thặng dư các bé trai sinh ra ở các cộng đồng trong những thập niên sắp tới.

Ông Guilmoto nói: “Những người thuộc nam giới này sẽ lớn lên thành các thanh niên và họ sẽ thấy sĩ số của mình vượt quá phía nữ giới. Do đó nếu chúng ta xét tới việc họ sẽ dự trù kết hôn, nhất là theo tập tục ở Ấn Ðộ và Trung Quốc, thì họ sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng. Họ sẽ gặp phải tình trạng “buộc phải kết hôn” và sự kiện này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kết hôn của nam giới nhất là những người có căn bản kinh xã thấp.”

Trung Quốc là nước chính góp phần vào tình trạng ngày càng mất quân bình với mức trẻ em trai vượt xa trẻ em gái ở các tỉnh An Huy, Phúc Kiến và Hải Nam. Bản phúc trình nói tại nhiều khu vực tỷ lệ giới tính trong những trẻ sơ sinh thuộc giới hạ lưu vượt xa nhiều so với mức bình thường, với tỷ lệ trẻ sơ sinh trai chiếm hai phần ba ở một số vùng nông thôn. Ông Guilmoto nói các cộng đồng sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề.

Ông Guilmoto nói tiếp: “Chúng ta bàn đến nhiều triệu người như tôi nói ứ đọng trên thị trường hôn nhân. Hàng triệu thanh niên không lấy vợ được và ta đã chứng kiến cảnh ấy ở Thượng Hải, ở các thành phố đông bộ Trung Quốc, và đối với những người mà hoàn cảnh rất khó khăn; chúng ta còn sẽ thấy hiện tượng này lớn hơn trong 10 năm nữa ở quy mô không thể so được với những gì ta thấy hôm nay.”

Tại Ấn Ðộ, trong khi sự cách biệt về giới tính thấp hơn tại Trung Quốc vì sinh suất cao hơn, các bang Punjab, Haryana và Uttar Pradesh đều báo cáo tình trạng mất thăng bằng về giới tính trên mức trung bình.

Bà Arpita Das, thuộc Viện Khoa học Dân số Quốc tế có trụ sở ở Mumbai, nói rằng phụ nữ Ấn Ðộ đang trải qua những vụ phá thai liên tục trong khi kiếm con trai, cũng đặt tình trạng sức khỏe mình vào tình trạng rủi ro, thậm chí có thể trở thành vô sinh.

Bà Arpita nói: “Tại Ấn Ðộ, tỷ lệ sinh sản rất lệch lạc và có thể đây là lý do để phá thai khi chọn giới tính trẻ sơ sinh; và nếu phụ nữ phá thai 2 hay 3 lần để chọn giới tính con thì họ sẽ gặp vấn đề về khả năng sinh sản về sau.”

Bà Deepti Singh, cũng thuộc Học viện có trụ sở ở Mumbai, nói rằng việc phụ nữ Ấn Ðộ thích sinh con trai đã là một tập tục từ xưa đến nay.

Bà Singh cho biết: “Nếu họ đã con một con gái, rồi thì thực sự họ không muốn sinh thêm một bé gái nữa, chỉ vì họ thích con trai. Họ muốn có con trai vì tập tục xưa nay, bởi vì theo truyền thống ở Ấn Ðộ, một gia đình phải có con trai. Ðó là lý do chính vì sao phụ nữ liên tục phá thai nếu biết là trẻ gái.”

Mặc dầu phá thai là hợp pháp ở Ấn Ðộ, nhiều phụ nữ thuộc tầng lớp nghèo có thể nhờ các nhân viên y tế không có đăng ký chấm dứt thai kỳ vì sợ tốn kém.

Nhưng các diễn giả tại hội nghị nói rằng phụ nữ ở vùng thành thị giàu có hơn có thể liên tục phá thai để cố sinh con trai.

Tục lệ Ấn Ðộ là phải có của hồi môn cho nhà chồng, tuy là bất hợp pháp, nhưng là một lý do nữa khiến phụ nữ muốn phá thai.
Tục lệ Ấn Ðộ là phải có của hồi môn cho nhà chồng, tuy là bất hợp pháp, nhưng là một lý do nữa khiến phụ nữ muốn phá thai.
Bà Singh nói tập tục chọn giới tính con vẫn tiếp tục ở Ấn Ðộ, mặc dầu bị cấm. Bà cho biết tục lệ Ấn Ðộ là phải có của hồi môn cho nhà chồng, tuy là bất hợp pháp, là một lý do nữa khiến phụ nữ muốn phá thai.

Bà Singh nói: “Ða số các vụ phá thai vì chọn giới tính con, chúng ta phải ngăn chặn vì tuy bị chính thức cấm nhưng thực tế không phải vậy. Ðây là điều rất quan trọng, nhưng nghèo khó là một trong những lý do chính bởi vì tục lệ của hồi môn ở Ấn Ðộ rất rõ ràng. Vì thế cần phải giáo dục mọi người và làm giảm nhẹ tình trạng nghèo khó vì hệ thống này.”

Ông Guilmoto, thuộc Trung tâm Dân số và Phát triển, nói tình trạng mất thăng bằng giới tính còn kéo dài có thể thúc đẩy sự phá vỡ các trật tự xã hội cứng nhắc hiện nay ngăn cấm các cuộc hôn nhân giữa những người không cùng đẳng cấp hay địa vị.

Ông Guilmoto nhận xét: “Rõ ràng, thị trường hôn nhân sẽ phải mở rộng thêm. Tại Ấn Ðộ, các luật lệ khắt khe về đẳng cấp có liên quan đến hôn nhân sẽ phải bị xóa bỏ, hệ thống nộp của hồi môn đang phổ biến tại Ấn Ðộ có lẽ cũng sẽ phải chấm dứt vì tại sao lại phải trả tiền để kết hôn với một người đàn ông trong khi số phụ nữ thiếu hụt? Ðơn giản là vấn đề kinh tế.”

Ông Guilmoto cho rằng các tập tục hiện hành của các gia đình ở các khu vực – như tên họ, các quy định về thừa kế, quyền ly hôn – cũng sẽ cần phải được điều chỉnh vì nam giới không thể kết hôn hay phải lập gia đình trễ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG