Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Việt Nam hứa sẽ sửa đổi Luật Đất đai


Một vụ cưỡng chế đất ở Nam Định.
Một vụ cưỡng chế đất ở Nam Định.

Các nhà lãnh của Việt Nam vừa hứa hẹn rằng sẽ trình Quốc hội khóa XV để “nhanh chóng” sửa Luật Đất đai 2013, một bộ luật gây nhiều tranh cãi ở đất nước cộng sản xem đất đai là sở hữu toàn dân.

Sáng ngày 6/5, khi vận động bầu cử ở thành phố Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hứa với cử tri rằng “sửa luật đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ." Ông nói thêm: "Dự kiến, luật này sẽ trình ra Quốc hội khóa XV, trong cuối năm nay hay đầu năm sau.”

Ông Phạm Bình Minh nói như vậy sau khi các cử tri đề nghị những người ứng cử, nếu trúng cử phải trình Quốc hội sửa Luật đất đai 2013, vì trong thực tế, luật này vướng mắc rất nhiều, làm ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm, đến đời sống người dân.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ hôm 1/5 có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bàn về các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Thủ tướng Chính yêu cầu bộ này “khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi,” theo trang Lao Động.

Dân biểu tình bị giải tán trong ngày Quốc hội khai mạc
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:00 0:00

Ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu lịch sử ở thành phố Hồ Chí Minh, nêu nhận định với VOA về thực trạng quản lý đất đai ở Việt Nam:

“Trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ khiếu kiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai và rất nhiều quan chức Việt Nam đi tù cũng vì đất đai.

“Trong Luật Đất đai hiện hành của Việt Nam, đất đai theo định nghĩa thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý là một khái niệm hết sức mơ hồ, dẫn đến việc rất nhiều người lợi dụng chức quyền để thu tóm đất đai và phân phối một cách vô tội vạ, dẫn đến việc rất nhiều người dân mất đất.

“Từ lâu người dân đã đề nghị sửa Luật Đất đai, chủ yếu phải xác lập được quyền sở hữu như thế nào để tránh việc lợi dụng chức quyền, tránh việc tước đoạt quyền làm chủ của người dân, điển hình như vấn đề ở Thủ Thiêm mà cho đến nay vẫn chưa giải quyết được.”

Ông Điều Bảy, một nông dân ở Đắk Nông, cho VOA biết ông đã ra Hà Nội nhiều lần để khiếu kiện đất đai ròng rã hơn 10 năm qua và chưa được giải quyết.

“Việc tranh chấp đất đai ở Xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông xảy ra sau khi chính quyền giao đất rừng cho các doanh nghiệp tư nhân từ tháng 4 năm 2011, vụ cưỡng chế do UBND tỉnh ra quyết định. Trong 10 năm qua chúng tôi ra Hà Nội kiện 7 lần, kiện ở Văn phòng TW2 ở Sài Gòn 4 lần, còn trong huyện và tỉnh thì đi rất nhiều lần, nhưng không có cơ quan có trách nhiệm nào trả lời, người dân chúng tôi rất bức xúc.”

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu nhận định về các lời hứa của các ứng cử viên Quốc hội:

“Cứ mỗi lần đến một cuộc bầu cử nào đó, rất nhiều ứng cử viên hứa, nhưng ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo toàn diện thì muốn sửa luật gì, ban hành quy định gì thì phải thông qua Bộ Chính trị. Vì vậy lời hứa muốn sửa đổi Luật Đất đai Việt Nam thì rất khó,” nhất là sửa đổi chế độ sở hữu đất đai.

Báo Lao Động gần đây có loạt bài viết phản ảnh rằng Luật Đất đai 2013, sau gần 10 năm có hiệu lực, “đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện.”

Tờ báo viết: “Hệ quả là quá trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển trở nên phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản bước phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Quan trọng hơn, những kẽ hở đang tồn tại trong bộ luật này là mầm mống để tham nhũng, tiêu cực nảy sinh.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG