Đường dẫn truy cập

Các nhà ngoại giao tin chính phủ Bắc Triều Tiên sắp sụp đổ


Các tài liệu này là một phần của khối lượng thông tin mật khổng lồ được đăng tải trên trang web Wikileaks
Các tài liệu này là một phần của khối lượng thông tin mật khổng lồ được đăng tải trên trang web Wikileaks

Vụ tiết lộ các bức điện ngoại giao cho thấy có một động cơ có thể giải thích cho hành động hiếu chiến mới đây của Bắc Triều Tiên. Các tài liệu này là một phần của khối lượng thông tin mật khổng lồ được đăng tải trên trang web Wikileaks. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman của gởi về bài tường trình sau đây.

Các bức điện tín gửi qua lại cho thấy hồi tháng Hai, Thứ trưởng ngoại giao Nam Triều Tiên nói với đại sứ Hoa Kỳ tại Seoul rằng các giới chức "cấp cao" của Trung Quốc hiện nghĩ rằng nên thống nhất Triều Tiên dưới sự kiểm soát của Seoul, nếu Bắc Triều Tiên sụp đổ.

Gới chức Chun Yung-woo của Nam Triều Tiên được trích lời nói rằng mặc dù Trung Quốc không muốn quân đội Hoa Kỳ hiện diện trên lãnh thổ hiện nay là Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh vẫn chấp nhận một bán đảo Triều Tiên thống nhất trong liên minh "lành mạnh" với Hoa Kỳ.

Ông Chun, nay là cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống, nói rằng các nhà lãnh đạo trẻ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc không sẵn lòng mạo hiểm với chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên để hỗ trợ Bắc Triều Tiên mà họ không còn thấy hữu dụng hay đáng tin cậy nữa.

Ngoài ra, ông Chun còn nói rằng chính phủ Nam Triều Tiên nghĩ chính phủ miền Bắc có thể sẽ sụp đổ trong vòng hai hay ba năm sau khi lãnh tụ Kim Jong Il qua đời.

Giáo sư Brian Myers của Đại học Dongseo ở Busan là một nhà nghiên cứu về tư tưởng Bắc Triều Tiên. Ông nói giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên luôn không tin tưởng Trung Quốc.

Ông Myers nói: “Tôi không nghĩ rằng những tiết lộ này gây sốc lớn cho chế độ luôn nghĩ đến những điều xấu nhất về người nước ngoài. Nhưng chúng sẽ gây sốc đối với người dân Bắc Triều Tiên khi những tin tức này đến với họ. Và họ sẽ nhận được những thông tin này, bởi vì ngày nay họ có nhiều phương tiện để tiếp cận với những ngồn tin từ bên ngoài. Chuyện này sẽ góp thêm vào tình hình vốn được xem là một cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng hơn về niềm tin trong nội bộ của Bắc Triều Tiên".

Và Giáo sư Myers nói rằng điều này thực sự có thể trở thành một mối đe doạ lớn nhất đối với sự tồn tại của Bắc Triều Tiên.

Ông Myers nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng người dân thường Bắc Triều Tiên đều hiểu rất rõ rằng nếu tước bỏ hết quyền lực của gia đình ông Kim thì chế độ đó sẽ không còn lý do để tồn tại. Bản thân tính hợp pháp của của chế độ đó bắt nguồn từ huyền thoại về tính anh hùng của Kim Il Sung và tấm lòng thương dân vô bờ của ông".

Lãnh tụ quá cố Kim Il Sung, cha của đương kim lãnh tụ Kim Jong Il là nhà lãnh đạo đầu tiên của Bắc Triều Tiên.

Giáo sư Myers và các nhà quan sát Bình Nhưỡng khác nói rằng một cuộc khủng hoảng về niềm tin nội bộ ở Bắc Triều Tiên có thể đã thôi thúc ông Kim Jong Il phải có hành động gây hấn hơn đối với Nam Triều Tiên trong lúc ông dàn dựng cho người con trai Kim Jong Un lên kế vị ông.

Một giới chức đại sứ quán Hoa Kỳ ở Seoul nói rằng chính sách không cho phép bình luận về các tài liệu có thể chứa những thông tin mật. Chính phủ Hoa Kỳ cực lực lên án trang web Wikileads đã thu thập và tung ra hơn 250.000 trang tài liệu ngoại giao mật trong tuần này.

Toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng việc phổ biến những tài liệu này có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ quốc tế, gây nguy hiểm cho các nhà ngoại giao và những người liên lạc với họ.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng nghiêm tronng. trong năm nay. Một chiến hạm của hải quân Nam Triều Tiên bị nổ và chìm trên biển Hoàng Hải hồi tháng 3, và các nhà điều tra quốc tế nói rằng chiếc tàu đã bị trúng ngư lôi của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng bác bỏ mọi dính líu trong vụ này.

Hồi tuần trước, lần đầu tiên kể từ Cuộc chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập niên 1950, Bắc Triều Tiên đã pháo kích vào thường dân Nam Triều Tiên. Bốn người đã thiệt mạng trên đảo Yeonpyeong. Bình Nhưỡng nói rằng họ bắn trả vụ pháo binh Nam Triều Tiên bắn pháo gần biên giới trên biển đang trong vòng tranh chấp.

Hải quân Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên hôm Chủ nhật đã bắt đầu cuộc thao diễn chung kéo dài 4 ngày trên biển Hoàng Hải.

Một người phát ngôn hải quân trên hàng không mẫu hạm USS George Washington nói rằng cuộc thao dượt quân sự không nhằm mục đích khiêu khích Bình Nhưỡng.

Tư lệnh Hải quân Jeff Davis nói rằng các chiến hạm của Hoa Kỳ không nổ súng trong cuộc thao dượt. Ông cũng cho biết là cuộc thao dượt sẽ không diễn ra gần Lằn ranh phía Bắc, một đường biên giới trên biển mà Bắc Triều Tiên không công nhận.

Ông Davis cho biết: “Chúng tôi thao dượt trên biển Hoàng Hải, tức ở xa về phía nam của Lằn ranh phía Bắc. Hoạt động này thực sự không liên quan đến tình hình mới xảy ra gần Lằn ranh phía Bắc. Thực sự đây là một cuột thao diễn đã được hoạch định trong nhiều tháng qua. Kế hoạch của cuộc thao dượt được lập ra xong lại thay đổi. Trong kế hoạch chúng tôi không có phần nào liên quan đến việc bắn đạn thật".

Bắc Triều Tiên nói cuộc thao dượt này đưa Bán đảo Triều Tiên đến gần bờ vực chiến tranh.

Các bức điện bị tiết lộ trên Wikileaks còn cho thấy Hoa Kỳ nghĩ rằng Bắc Triều Tiên đã bán công nghệ hoả tiễn cho Iran, giúp Iran có khả năng phóng phi đạn sâu vào bên trong châu Âu.

Cũng trong ngày hôm nay, một nhật báo chính thức của Bình Nhưỡng khoe rằng Bắc Triều Tiên hiện vận hành hàng ngàn máy ly tâm để tinh chế uranium nhằm mục đích chung cuộc là sản xuất điện năng cho đất nước nghèo khó này. Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh nói rằng Bắc Triều Tiên có thể sử dụng vật liệu đó để chế tạo thêm bom nguyên tử. Dư luận tin rằng Bắc Triều Tiên đã có trong tay nhiều vũ khí hạt nhân làm bằng plutonium.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG