Đường dẫn truy cập

Kinh tế trở thành tâm điểm cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan


Các ứng viên tổng thống Đài Loan (từ trái sang phải): ông Chu Lập Luân, bà Thái Anh Văn và ông Tống Sở Du.
Các ứng viên tổng thống Đài Loan (từ trái sang phải): ông Chu Lập Luân, bà Thái Anh Văn và ông Tống Sở Du.

Cử tri Đài Loan sẽ bầu tổng thổng mới vào ngày mai sau các hoạt động tranh cử cấp tập giờ chót tập trung vào nền kinh tế trì trệ của đảo quốc này. Cử tri muốn hưởng lương cao hơn, nhà cửa rẻ hơn và có thêm việc làm. Cả hai ứng cử viên hàng đầu nói họ đều có giải pháp. Thông tin viên Ralph Jennings của đài VOA tại Đài Bắc tường thuật.

Đài Loan bước vào suy thoái hồi tháng 9 năm ngoái, trong khi các đơn hàng xuất khẩu, vốn là luồng khí huyết nuôi dưỡng hòn đảo, đã sụt giảm trong 9 tháng gần đây. Người lao động phàn nàn là với mức lương thấp, chỉ có 600 đôla một tháng, họ không mua nổi các căn hộ ở Đài Bắc hoặc trả tiền cho việc chăm sóc con nhỏ hay bố mẹ già. Những vấn đề này đã đeo bám các ứng cử viên của hai đảng chính của Đài Loan khi họ đi vận động cử tri trên phố trước cuộc bầu cử hôm thứ Bảy. Đảng đối lập ở Đài Loan hiện đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò.

Ông Vương Nghiệp Lập, giáo sư khoa học chính trị thuộc trường Đại học Quốc gia Đài Loan, nói cử tri đang kỳ vọng vị tổng thống tiếp theo sẽ mang lại đời sống dễ chịu.

Ông tin rằng tình hình kinh tế là vấn đề hàng đầu vì người dân muốn có thu nhập cao hơn, nhiều cơ hôi việc làm hơn và gây sức ép về những vấn đề khác liên quan đến túi tiền của họ.

Ông Vương nói thêm những người thuộc tầng lớp bình dân muốn thấy sự thay đổi đảng phái dẫn đến kết quả có ích vì Quốc Dân Đảng hiện thời đã điều hành kém trong 8 năm qua.

Đài Loan công nghiệp hóa trong những năm 1960, nhưng mức sống vẫn thua những nước như Nhật Bản, Nam Hàn hay những nước khác đi cùng lộ trình. Cùng lúc, chi phí đất đai và nhân công cao đến mức các nhà đầu tư quyết định chuyển ra hải ngoại, mang vốn ra khỏi Đài Loan và cắt giảm việc làm địa phương.

Tổng thống đương nhiệm Mã Anh Cửu làm cho cử tri thất vọng vì không đạt được các mục tiêu tăng lương, giảm thất nghiệp và tăng GDP, hiện ở mức 500 tỷ đôla. Kể từ năm 2008, chính phủ Quốc Dân Đảng của ông đã tìm kiếm trợ giúp kinh tế từ Trung Quốc. Hai nước đã ký 23 thỏa thuận chủ yếu nhắm thúc đẩy thương mại, du lịch và đầu tư. Trung Quốc là địch thủ chính trị của Đài Loan trong 7 thập niên và cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ứng cử viên Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến đối lập nói bà sẽ hành động để giúp các doanh nghiệp nhỏ của Đài Loan đạt tiến bộ ở thị trường trong nước và hải ngoại. Hồi tháng 5, đảng của bà đề nghị sửa đổi một số luật lệ để tăng lương và giảm giờ làm từ 84 giờ trong 2 tuần xuống 40 giờ 1 tuần. Bà cổ xúy cho việc tạo việc làm bằng cách lập mạng lưới người trông trẻ ở các khu dân cư.

Ứng viên đảng đối lập này cũng muốn xây dựng 200.000 căn nhà giá rẻ để giảm lo ngại về giá đất. Các căn hộ ở Đài Bắc có giá ngang ngửa với các thành phố lớn trên thế giới.

Thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy bà Thái dẫn trước hơn 8%.

Ứng viên của Quốc Dân Đảng, ông Chu Lập Luân, đã cam kết sẽ tăng lương tối thiểu theo từng giai đoạn từ mức 600 đôla một tháng hiện nay lên xấp xỉ 900 đôla một tháng vào khoảng năm 2020. Ông Chu đề xuất mở cửa các trung tâm chăm sóc người già ở khu dân cư để lo cho họ khi con cái trưởng thành đi làm. Một phát ngôn viên của đảng nói ông sẽ thúc đẩy để có giá nhà phải chăng ngay tại những tòa nhà hiện có thay vì xây mới.

Các quan chức bầu cử Đài Loan sẽ công bố người lên làm tổng thống mới hôm thứ Bảy và người thắng cử sẽ bắt đầu nắm quyền vào tháng 5, khi Tổng thống Mã hết nhiệm kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG