Đường dẫn truy cập

Kinh tế Ðài Loan rơi vào suy thoái


Đơn đặt hàng xuất khẩu giảm liên tục mỗi tháng kể từ tháng Tư đã báo trước tình trạng suy thoái kinh tế của Ðài Loan.
Đơn đặt hàng xuất khẩu giảm liên tục mỗi tháng kể từ tháng Tư đã báo trước tình trạng suy thoái kinh tế của Ðài Loan.

Kinh tế Ðài Loan rơi vào suy thoái sau hai quý hàng hóa và dịch vụ giảm giá. Nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới này nói rằng họ mất ưu thế cạnh tranh trước trung tâm sản xuất tăng trưởng nhanh chóng là Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu chính cũng không còn tiêu thụ hàng hóa của Ðài Loan nhiều như trước đây nữa. Từ Đài Bắc, thông tín viên Ralph Jennings gởi về bài tường trình.

Nền kinh tế trị giá 500 tỉ đôla của Ðài Loan không gì khác hơn là xuất khẩu trong mấy thập niên qua. Nhưng theo định nghĩa của nhiều nhà kinh tế, đảo quốc Thái Bình Dương chuyên cung cấp các sản phẩm nhựa, máy móc và hàng điện tử này đã rơi vào tình trạng suy thoái trong quý ba năm nay. Kinh tế Ðài Loan giảm 0,3% từ tháng 7 đến tháng 9 so với mức giảm 1,14% trong quý trước.

Văn phòng kế toán và ngân sách Ðài Loan nêu lên những nguyên do tác động từ kinh tế thế giới: giá dầu thô giảm và cạnh tranh tăng mạnh từ dây chuyền cung ứng đã trưởng thành của Trung Quốc. Kinh tế gia Thái Diệu Đức của công ty chứng khoán KGI Securities ở Đài Bắc giải thích vì sao Trung Quốc giành được ưu thế hơn.

Ông Thái nói rằng Trung Quốc từng xem hợp đồng gia công hàng xuất khẩu là một ưu tiên và nước này cũng muốn khai thác thị trường nội địa. Ông nói tiếp rằng Trung Quốc nhận thấy nếu chỉ dựa vào gia công hàng xuất khẩu với mức lời thấp sẽ không bền vững cho tăng trưởng nhanh, do đó họ dùng cách nâng cao các tiêu chuẩn công nghiệp như là một biện pháp kích thích.

Các nhà đầu tư Ðài Loan thường hợp đồng gia công hàng hóa của họ ở nước ngoài, làm hàng xuất khẩu có giá thấp ở Trung Quốc, và bán các sản phẩm đó ra nước ngoài. Nhưng nay Trung Quốc đã hình thành được một dây chuyền cung ứng đáng tin cậy và chất lượng đã cao hơn qua những năm rút tỉa kinh nghiệm từ hoạt động thanh tra nhà máy. Các nhà phân tích nói dây chuyền cung ứng kỹ thuật cao của Trung Quốc rất mạnh và nó đã cắt vào thu nhập trong ngành công nghệ trị giá 131 tỉ đôla của Ðài Loan.

Đơn đặt hàng xuất khẩu giảm liên tục mỗi tháng kể từ tháng Tư đã báo trước tình trạng suy thoái kinh tế của Ðài Loan. Xuất khẩu chiếm đến 60% kinh tế Ðài Loan và đơn đặt hàng thường tăng nhẹ hàng tháng.

Mức chi tiêu của khách hàng yếu đi tại các thị trường chính - Trung Quốc và châu Âu - đã ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của Ðài Loan trong mọi lãnh vực. Người tiêu thụ Trung Quốc ngần ngại chi tiêu khi chính nền kinh tế của họ tăng trưởng chậm lại. Các vấn đề kinh tế và thương mại cũng ảnh hưởng đến mức chi tiêu của tại một số nước Âu châu.

Giá dầu hỏa giảm trên thế giới từ năm 2014 cũng ảnh hưởng đến các công ty hóa dầu Ðài Loan đã đặt mua dầu nguyên liệu trả tiền trước với giá cao hơn.

Ðài Loan đạt tăng trưởng kinh tế liên tục mỗi năm kể từ cuộc suy thoái năm 2009 đã kéo chậm tăng trưởng của phần lớn kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính. Các kinh tế gia dự đoán mùa lễ cuối năm tại các nước phương Tây có thể tăng lượng đặt hàng máy vi tính, điện thoại thông minh và các sản phẩm hóa dầu của Ðài Loan. Văn phòng ngân sách dự đoán tăng trưởng kinh tế trong năm tới sẽ đạt mức 2,32% cùng với mức cầu hàng xuất khẩu tăng mạnh hơn.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG