Đường dẫn truy cập

Kinh tế Việt Nam ‘khởi sắc’ nhưng ‘cần cải thiện nhiều’


Công nhân đang làm việc tại một xưởng may mặc ở Hà Nội. May mặc vẫn là một trong những mặt hang xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam
Công nhân đang làm việc tại một xưởng may mặc ở Hà Nội. May mặc vẫn là một trong những mặt hang xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam

Mặc dù kinh tế Việt Nam trong năm 2019 có nhiều điểm sáng với mức tăng trưởng cao nhưng Việt Nam cần thực hiện nhiều cải cách để tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển, một nhà kinh tế trong nước nói VOA.

Việt Nam kết thúc năm 2019 với nhiều chỉ số kinh tế vượt trội trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, khiến cho đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khen ngợi rằng ‘mây đen kéo về toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam’.

Theo số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố, kinh tế Việt Nam trong năm 2019 tăng trưởng 7,02% - tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong vòng 10 năm qua, mặc dù con số này xê dịch một chút so với tính toán của Ngân hàng Thế giới (6,8%) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (6,9%).

Đây là mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới trong khi những nền kinh tế năng động nhất châu Á đều có mức tăng trưởng thấp hơn, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ tăng 6,1% còn Indonesia tăng 5%, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Kim ngạch ngoại thương của Việt Nam trong năm 2019 cũng đạt mức kỷ lục là 517 tỷ đô la – xuất khẩu 263 tỷ và nhập khẩu 253 tỷ, theo số liệu Bộ Công thương công bố. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại với mức xuất siêu là 10 tỷ đô la.

Số lượng doanh nghiệp mới đăng ký thành lập trong năm 2019 đạt trên 138.000 doanh nghiệp, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê với số vốn tăng 17,1% so với năm trước đó. Trong khi đó, mức dự trữ ngoại hối cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 80 tỷ đô la, theo công bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương hôm 30/12.

Nhờ chiến tranh thương mại?

Trao đổi với VOA về những kết quả này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người từng là thành viên tổ tư vấn kinh tế của chính phủ, nói rằng tốc độ tăng trưởng như thế vừa là ‘nỗ lực trong nước’ vừa là ‘cơ hội do chiến tranh thương mại tạo ra’.

“Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm cho xuất khẩu tăng vọt hẳn lên và xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng rất cao,” ông cho biết.

Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong năm 2019 tăng đến 27,8%. Với mức xuất khẩu sang Mỹ đạt 60,7 tỷ đô la và nhập khẩu 14,3 tỷ, Việt Nam có thặng dư lên đến trên 46 tỷ đô la trong giao thương với Mỹ.

Tuy nhiên, trước viễn cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ được giải quyết và Việt Nam sẽ mất đi lợi thế xuất khẩu vào thị trường Mỹ, ông Doanh cho rằng Việt Nam ‘sẽ nỗ lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân’.

Ông nói việc kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh là điều đáng mừng và dẫn chứng là số doanh nghiệp mới ra đời tăng lên, sự kiện tập đoàn Vingroup ra mắt xe hơi ‘made in Vietnam’ Vinfast, hãng xe Trường Hải xuất khẩu xe buýt sang Philippines, gạo ST 25 được công nhận là ‘gạo ngon nhất thế giới’ và xuất khẩu trái cây Việt Nam được đẩy mạnh như xuất khẩu xoài và vải thiều.

“Tôi rất hy vọng các tập đoàn tư nhân của Việt Nam phát triển vững mạnh,” ông nói. “Tôi mừng là Vingroup đã đầu tư vào trường đại học, vào viện nghiên cứu.”

“Trong nông nghiệp cũng có những tín hiệu tốt. Có nhiều thành phố đã đầu tư xây dựng các trang trại hiện đại, nhờ đó đạt được những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao hơn và có thể tăng thêm xuất khẩu của Việt Nam,” ông nói thêm.

Ông khen ngợi công tác điều hành của Chính phủ: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đã hết sức năng nổ trong việc tạo thuận lợi cho điều kiện kinh doanh, cắt giảm giấy phép, vận dụng chính phủ điện tử nên đã làm giảm bớt rất nhiều chi phí thời gian và chi phí tiền bạc cho các doanh nghiệp.”

‘Chưa thấy điểm sáng’

Về các doanh nghiệp nhà nước, vốn lâu nay có nhiều tai tiếng vì các khoản lỗ hàng tỷ đô la, ông Doanh nói trong năm vừa qua ‘chưa thấy điểm sáng gì rõ nét’ và dẫn ra trường hợp Gang thép Thái Nguyên với các lãnh đạo bị đưa ra kỷ luật.

Ông cho biết ‘11 công trình đã đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn đang đợi được xử lý’ và ‘cần phải xử lý khẩn trương và hiệu quả để trong thời gian tới có thể huy động được tài sản cố định đã được đầu tư vào đó’.

Về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng chuyển dịch về phía các linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính (chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chứ không phải các mặt hàng truyền thống như sản phẩm may mặc, giày dép), ông Doanh nhận định đó là ‘tín hiệu đáng mừng’.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nhấn mạnh “Các mặt hàng điện tử là của nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị gia tăng của người Việt Nam còn hạn chế” và kêu gọi Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để có những thương hiệu của người Việt Nam.

Cần cải thiện môi trường kinh doanh

Nhà kinh tế này cũng lưu ý rằng mặc dù trong năm vừa qua, Việt Nam đã có mức thăng hạng cao nhất trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh trạnh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – từ hạng 77 lên 67, nhưng hạng 67 ‘chưa phải là thứ hạng cao’.

“Luật Doanh nghiệp đã thuận tiện hơn nhưng giấy phép con vẫn còn, các doanh nghiệp vẫn báo cáo là các chi phí ngoài pháp luật vẫn còn,” ông cho biết. “Phải công khai minh bạch để các doanh nghiệp biết là đơn của họ đang được ai xử lý và bao lâu sẽ có câu trả lời.”

Mặc dù đã có chính phủ điện tử, nhưng ông Doanh cho biết ‘các doanh nghiệp vẫn phản ánh là đến khâu cuối cùng họ vẫn phải in tài liệu ra đến nộp và khi nộp vẫn phải có chi phi ngoài pháp luật’. “Điều này làm cho chi phí doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn cao so với các nước khác trong Asean,” ông nói thêm.

Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mảng kinh tế hộ gia đình, ông Doanh cho rằng ‘năng lực cạnh tranh quốc tế không cao’ vì ‘không có thương hiệu nên khó có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước ASEAN đang tràn vào thị trường Việt Nam trong năm 2019.”

Cựu thành viên tổ tư vấn kinh tế của chính phủ dự đoán năm 2020 sẽ là ‘năm có nhiều thách thức’ với nhiều biến động ‘khó có thể dự báo’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG