Đường dẫn truy cập

Kim Jong Un kêu gọi đoàn kết sau vụ thanh trừng lãnh đạo


Lãnh tụ Kim Jong Un nói: "Đảng ta đã thực hiện những biện pháp cứng rắn để loại trừ những thành phần cặn bã trong đảng."
Lãnh tụ Kim Jong Un nói: "Đảng ta đã thực hiện những biện pháp cứng rắn để loại trừ những thành phần cặn bã trong đảng."
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã dùng bài diễn văn đầu năm để hô hào tăng cường đoàn kết, tiếp theo sau một vụ thanh trừng trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao gây nhiều chấn động.

Ông Kim Jong Un nói rằng việc xử tử ông Jang Song Thaek, dượng của ông và từng là nhân vật đứng hàng thứ nhì trong hàng ngũ lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, là cần thiết để diệt trừ tệ nạn bè phái trong Đảng Lao Động đương quyền.

"Đảng ta đã thực hiện những biện pháp cứng rắn để loại trừ những thành phần cặn bã trong đảng. Tình đoàn kết của chúng ta đã tăng lên gấp trăm lần và những đường lối của cách mạng và của đảng đã trở nên vững chắc hơn qua việc thanh trừng bọn phản đảng, phản cách mạng."

Cũng giống như những bài diễn văn của những năm trước, năm nay ông Kim cũng đưa ra một thông điệp vừa có tính chất đe dọa vừa có tính chất hòa giải cho thế giới bên ngoài.

Ông nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ thực hiện điều gọi là “những nỗ lực rất tích cực” để cải thiện quan hệ với Nam Triều Tiên trong năm mới. Nhưng ông cũng dùng điều gọi là “thảm họa hạt nhân cực kỳ to lớn” để đe dọa nước Mỹ.

"Những tình huống nguy hiểm đã xuất hiện và nó có thể làm cho một vụ va chạm quân sự nhỏ bùng ra thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Nếu chiến tranh bùng ra trên đất nước này, nó sẽ mang lại một thảm họa hạt nhân vô cùng to lớn. Thậm chí nước Mỹ sẽ không bao giờ được an toàn."

Các nhà phân tích cho rằng ông Kim Jong Un đang tìm cách phô bày một thái độ tự tin sau khi ông Jang Song Thaek bị xử tử một cách bất ngờ vì tội gọi là âm mưu lật đổ chính quyền.

Vụ thanh trừng ông Jang và những người thân cận của ông này đã làm cho một số người nêu ra câu hỏi là phải chăng ông Kim Jong Un đã không còn nắm chắc quyền hành trong tay nữa, bởi vì Bắc Triều Tiên lâu nay rất ít khi thừa nhận có sự bất đồng ý kiến trong nội bộ.

Ông Stephen Noerper, một nhà phân tích của Hội Triều Tiên, cho đài VOA biết rằng mặc dù ông Kim Jong Un có vẻ tự tin, nhưng sự ổn định trong dài hạn của chính quyền ở Bình Nhưỡng cần phải được theo dõi sát.

"Có thể có những phe nhóm đang tranh nhau để thu hút sự chú ý của nhà lãnh đạo trẻ. Điều này không có nghĩa là ông ấy đang nắm chắc toàn bộ quyền hành trong tay. Đó có thể là ý kiến của hầu hết các nhà phân tích. Nhưng cũng có một số người cho rằng có sự chia rẽ trong số những người trung thành với dượng của ông Kim Jong Un."

Diễn văn này cũng có những lời lẽ có tính chất khiêu khích nhắm vào Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên mà một số người cho là có ích cho ông Kim Jong Un trong việc khích động tinh thần dân tộc và tăng cường sự đoàn kết.

Ông Raph Cossa, một chuyên gia an ninh Á châu của Diễn đàn Thái bình dương ở Hawaii, cho đài VOA biết rằng những lời đe dọa của ông Kim nhắm vào Hoa Kỳ là “ngu xuẩn” nhưng không khác gì những lời lẽ hung hăng mà Bình Nhưỡng đã đưa ra trong thời gian gần đây.

"Đó là gịong điệu chính mà chúng ta đã nghe trong năm vừa qua. Bắc Triều Tiên giờ đây tuyên bố họ có thể bắn tới Washington và tấn công nước Mỹ. May cho họ là chúng ta không tin như vậy, bởi vì nếu chúng ta tin họ có thể làm điều đó, thì chúng ta sẽ có phản ứng vào lần tới khi họ đặt một phi đạn lên một bệ phóng và bắt đầu đưa ra những lời đe dọa."

Ông Cossa không tin là ông Kim Jong Un sẽ thực hiện lời hứa cải thiện quan hệ với Nam Triều Tiên. Ông nói rằng ông Kim Jong Un năm ngoái cũng đã hứa như vậy, trước khi liên tục đưa ra những lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân tấn công Hoa Kỳ và đồng minh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG