Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng trong hệ thống xe điện ngầm Washington D.C


Cuộc khủng hoảng metro trầm trọng đến mức trong vài tháng qua nhiều hành khách xe điện ngầm phải quay sang các phương tiện di chuyển khác. (Ảnh tư liệu)
Cuộc khủng hoảng metro trầm trọng đến mức trong vài tháng qua nhiều hành khách xe điện ngầm phải quay sang các phương tiện di chuyển khác. (Ảnh tư liệu)

Hệ thống xe điện ngầm (Metro) ở thủ đô Washington D.C đang trong cơn khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này trầm trọng đến mức trong vài tháng qua nhiều hành khách xe điện ngầm phải quay sang các phương tiện di chuyển khác khi metro ngưng hoạt động cả một ngày để thẩm định lại công tác bảo trì khẩn cấp toàn bộ hệ thống. Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của Metro D.C trước đó loan báo chương trình mang tên SafeTrack, cắt giảm một số dịch vụ và chuyến xe điện ngầm để giải quyết những vi phạm nghiêm trọng về an toàn.

Tổng giám đốc Metro Paul J. Wiedefeld loan báo chương trình SafeTrack, một kế hoạch bảo trì quy mô cho toàn bộ hệ thống metro.

Làm thế nào hệ thống Metro được xây dựng tại một trong những thành phố quyền lực nhất thế giới, nơi tọa lạc toà nhà quốc hội Mỹ và Tòa Bạch Ốc, lại rơi vào tình trạng này? Làm thế nào một hệ thống mà Tổng thống Barack Obama từng miêu tả là “một sức mạnh trong vùng” lại sa sút tới mức thảm hại như vậy?

Tại sao hệ thống chuyên chở công cộng này - vốn lệ thuộc rất nhiều vào lực lượng công nhân viên chức liên bang và được xây dựng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế tại một khu vực kém phát triển trước đây - nay lại bị tác động bởi những vụ trật đường rầy thường xuyên, những sự cố như có đám cháy gây khói, và những sự chậm trễ nghiêm trọng?

Trang Twitter của hàng chục ngàn “công dân nhà báo” kể lại những điều mà họ nói là những ‘ác mộng’ xảy ra khi sử dụng hệ thống Metro, tình trạng các dịch vụ bị cắt giảm - và nghiêm trọng hơn cả, là tai nạn đã làm thiệt mạng 14 người.

Sự thể này nêu ra những nghi vấn về làm thế nào những hệ thống xe điện ngầm cũ kỹ hơn như tại London, Tokyo, lại đáng tin cậy hơn?

Một du khách Úc tham khảo bản đồ hệ thống tàu điện ngầm ở Washington DC trong khi đợi tàu ở nhà ga L'Enfant Plaza, ngày 9 tháng 8 năm 2016.
Một du khách Úc tham khảo bản đồ hệ thống tàu điện ngầm ở Washington DC trong khi đợi tàu ở nhà ga L'Enfant Plaza, ngày 9 tháng 8 năm 2016.

Vấn đề bảo trì

Ông Zachary M. Schrag, giáo sư sử học giảng dạy tại Đại học George Mason, cũng là tác giả cuốn sách “Lịch sử Xe điện ngầm Washington”, xuất bản vào năm 2006. Ông nói:

“Cảnh báo về nhu cầu bảo trì đã được đưa ra từ giữa những năm 1980. Hội đồng Thành phố Liên bang năm 1986 nói rằng hệ thống xe điện ngầm sẽ đối mặt với vấn đề chi phí bảo trì tăng vọt trong những năm 1990 vì các bộ phận đã hao mòn do sử dụng lâu ngày. Lời tiên đoán này giờ tỏ ra chính xác.”

Giáo sư Schrag chỉ ra rằng có hai nhu cầu cấp thiết khó có thể giải quyết cùng một lúc, “thứ nhất là nhu cầu hoàn chỉnh hệ thống theo viễn kiến ban đầu, và sự cần thiết phải cùng lúc tái thiết nguyên cả hệ thống đang bị sa sút nghiêm trọng.”

Hệ thống này được thiết kế mà không được dành riêng một nguồn tài trợ lâu dài. WMATA, thẩm quyền đặc trách hệ thống metro, quy tụ các đại diện của khu vực thủ đô Washington và của các bang Virginia và Maryland. Các vị đại diện này mỗi lần phải xin xỏ quốc hội để được tài trợ.

Tư duy sai lầm

Hệ thống xe điện ngầm Tokyo là một trong những hệ thống đáng tin cậy nhất, rất an toàn và được quốc tế ngưỡng mộ.

Thông tín viên Steve Herman của VOA có thể xác nhận điều đó, sau khi trải qua 26 năm sinh sống ở châu Á, phần lớn là tại Tokyo.

Ông Steve Herman, hiện là Thông tín viên của VOA tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington, có kinh nghiệm cụ thể về tính thiếu hiệu quả của hệ thống xe điện ngầm DC.

Ông so sánh hệ thống xe điện ở Tokyo với hệ thống metro ở Washington như sau:

“Trong 30 năm qua, những sự cố trong hệ thống xe điện ngầm của Nhật hiếm khi xảy ra. Người Nhật nổi tiếng về tính hiệu quả của hệ thống đường rầy là nhờ ý thức của công chúng ở đó, cho rằng các hệ thống giao thông vận tải là một phần rất quan trọng trong đời sống hàng ngày.”

Một yếu tố khác là hệ thống xe điện ngầm Tokyo được điều hành bởi một tập thể các công ty tư nhân, chứ không phải của chính phủ, theo nhà quan sát Mahrer. Ông nói thêm rằng các công ty ấy quan tâm tới an sinh của người tiêu thụ và vấn đề an toàn, như là những bộ phận quan trọng trong mẫu mực kinh doanh của người Nhật.

Trong khi đó, hệ thống xe điện ngầm ở thủ đô Washington, hệ thống lớn thứ nhì tại Hoa Kỳ, rõ ràng đang gặp khó khăn, và các thành phố khác của nước Mỹ cũng đang vất vả đối phó với những vấn đề nghiêm trọng tràn lan trong các hệ thống vận chuyển công cộng.

Một nhà nghiên cứu các hệ thống vận chuyển nhiều kinh nghiệm, Giáo sư Schrag nói “Thành phố Boston có một hệ thống tài trợ vững bền. Hệ thống này dành riêng một ngân khoản lên tới hàng tỉ đôla cho công tác bảo trì. Tôi tin là thành phố New York cũng dành riêng hàng chục tỉ đô la để làm những công việc cần làm. Còn thành phố Chicago thì đã huỷ bỏ một tuyến xe điện ngầm.”

Từng nghiên cứu các hệ thống vận chuyển trong khoảng một thập niên qua, Giáo sư Schrag kết luận như sau về hệ thống xe điện ngầm ở Mỹ, ông nói: “Thực sự đây là vấn đề thiếu đầu tư vào hạ tầng cơ sở.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG