Đường dẫn truy cập

Khoáng sản quý và chiếc thòng lọng của người khổng lồ


Công nhân làm việc tại một mỏ kim loại đất hiếm tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại một mỏ kim loại đất hiếm tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong vài thập kỷ trở lại đây, khoáng sản quý hiếm, đặc biệt là các loại có ứng dụng rộng rãi như wolfram, bismuth và đất hiếm đang trở thành một con át chủ bài đối với sự phát triển kinh tế và quốc phòng của mọi quốc gia. Từ chiếc điện thoại, radio, máy tính, xe hơi cho đến những thiết bị tối tân như ra đa, tên lửa, tàu vũ trụ, máy bay phản lực, lò phản ứng hạt nhân, rất khó có thể tìm được thiết bị nào không dùng các kim loại quý trên. Chất bán dẫn trong các thiết bị điện tử làm từ đất hiếm, buồng đốt động cơ phản lực chịu nhiệt cao bằng hợp kim wolfram cho đến vật liệu chuyên chở nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân làm từ bismuth. Sở dĩ nền công nghiệp hiện đại có thể sản xuất hàng loạt với tốc độ cao và giá thành giảm đáng kể so với chỉ vài thập kỷ trước đây phần lớn là nhờ các mũi khoan, máy cắt kim loại và chi tiết máy làm bằng hợp kim wolfram với độ cứng và độ bền cao, cùng tính chịu nhiệt vượt trội[i].

Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm

Mặc dù nhu cầu thế giới hiện nay rất lớn nhưng nguồn cung các khoáng sản này lại rất hạn chế và tập trung chủ yếu tại Trung Quốc. Theo thống kê, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tiêu thụ hết khoảng 55% lượng wolfram, tuy nhiên nhóm này lại sản xuất ra chỉ khoảng 5% tổng lượng cung toàn thế giới, phần lớn nguồn cung đều đến từ Trung Quốc (khoảng 85% nguồn cung và 62% trữ lượng thế giới)[ii]. Với hai loại còn lại, Trung Quốc cũng chiếm vị thế chủ chốt trong cung cấp với khoảng 80% sản lượng bismuth và 97% sản lượng đất hiếm[iii].

“Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”, tuyên bố nổi tiếng này của Đặng Tiểu Bình năm 1992 cho thấy Trung Quốc coi các loại khoáng sản thiết yếu là một trong những vũ khí hàng đầu trong cuộc chiến kinh tế - chính trị hiện đại. Và thực tế là Trung Quốc đã và đang tân dụng tối đa loại vũ khí ấy để chiếm thế độc quyền trên thị trường nhằm tìm kiếm các lợi ích riêng cho quốc gia. Các nước cờ của Trung Quốc rất rõ ràng: triệt tiêu các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, thâu tóm các mỏ còn lại trên thế giới và sử dụng nguồn cung độc quyền như là một công cụ điều khiển giá cả cũng như ép buộc các công ty lớn phải đầu tư tại Trung Quốc để đổi lấy nguồn nguyên liệu quý giá này.

Ngay từ thập niên 90 trở về trước, Trung Quốc đã sớm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh khỏi cuộc chơi khi quặng wolfram và đất hiếm giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới đã khiến cho hàng loạt mỏ tại phương Tây, với chi phí sản xuất cao hơn, buộc phải đóng cửa[iv]. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang vươn tới các mỏ khác bên ngoài lãnh thổ. Thí dụ như trong năm 2010, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tiếp cận với Malaga, một công ty khai thác wolfram tại Nam Mỹ với mục đích thôn tính nhưng không thành công. Nước này cũng mua lại hàng loạt các mỏ quặng wolfram chất lượng thấp từ Châu Phi[v]. Tại Tây Úc, chính phủ Trung Quốc thông qua khoản đầu tư 366 triệu đô, đã sở hữu phần lớn một mỏ đất hiếm có trữ lượng khá lớn của thế giới từ Lynas Corp[vi] sau khi chính phủ Úc phủ quyết không cho Trung Quốc mua kiểm soát tập đoàn này.

Nước cờ tiếp theo trong chiến lược là siết chặt nguồn cung và đẩy mức giá lên cao đã bắt đầu được thực thi trong những năm gần đây. Cụ thể, vào năm 2003, Trung Quốc đã tiến hành hạn chế xuất khẩu quặng wolfram. Trong 2007, áp thuế xuất khẩu 15% lên các sản phẩm từ wolfram và giới hạn mức hạn ngạch xuống 14,900 tấn trong năm[vii]. Kết quả là giá wolfram đã tăng gần gấp ba từ 2004 đến nay[viii]. Đối với bismuth, kịch bản tương tự cũng diễn ra khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố ngưng xuất khẩu kim loại này và áp dụng chính sách cấp giấy phép đối với bismuth vào năm 2006[ix] khiến giá bismuth tăng gấp 3 lần trong một năm sau đó[x].

Lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã giảm từ 60,000 tấn năm 2002 xuống 45,000 tấn năm 2008 khiến giá của kim loại này tăng gấp đôi trong khoảng thời gian tương ứng[xi]. Cuối năm 2010, cuộc khủng hoảng đất hiếm của thế giới đã nổ ra khi Trung Quốc ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Giá đất hiếm sau đó đã tăng vọt lên gấp 3 chỉ trong 3 tuần trong tháng 6 năm 2011[xii].

Thế giới tìm cách thoát khỏi thòng lọng độc quyền

Chiến lược độc quyền hóa khoáng sản quý của Trung Quốc rõ ràng đang phát huy tác dụng. Chiếc thòng lọng đã được treo lên và chỉ chờ các nạn nhân chui đầu vào. Điều này tạo nên mối lo thực sự trong cộng đồng thế giới. Việc hóa giải thế cờ này không dễ dàng và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều nước. Theo cách nói của Dân biểu Hạ viện Mỹ Donald Manzullo, Chủ tịch Tiểu ban về quan hệ đối ngoại khu vực châu Á Thái Bình Dương, là “thật không may là quy mô của cuộc khủng hoảng này rất lớn và chỉ có sự phối hợp chung tay tầm cỡ quốc gia mới có thể giúp chúng ta thoát ra được”[xiii].

Trước ảnh hưởng quá lớn của chính sách về khoảng sản của Trung Quốc, các nước còn lại đã có nhiều động thái nhằm chống lại các tác động bất lợi của chính sách này. Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu đã đệ đơn yêu cầu Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tiến hành điều tra các chính sách thắt chặt xuất khẩu liên quan đến đất hiếm của Trung Quốc và WTO đã chấp thuận mở cuộc điều tra trong năm 2012[xiv]. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thương mại quốc tế, Trung Quốc khó thua trong vụ kiện này vì họ có thể viện đến các tiêu chuẩn về môi trường và chuẩn mực công nghiệp để biện minh cho việc giảm sản lượng khai thác nội địa.

Quan trọng hơn là việc xúc tiến tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế. Hiện nay, hoạt động này đang được đẩy mạnh như là một nước cờ chiến lược để phá thế độc quyền của Trung Quốc. Ví dụ như Nhật Bản đang tiến hành dự án khai thác đất hiếm tại Quebec và tìm kiếm các nguồn đất hiếm ở Việt Nam[xv]. Một hướng khác nữa cũng đang được nhiều nước quan tâm là nghiên cứu cách khai thác đất hiếm dưới đáy đại dương[xvi]; Tập đoàn Lynas của Úc đang mở lại một mỏ đất hiếm khác ở Nam Phi[xvii]. Các phản ứng tương tự cũng xuất hiện để đối phó với thòng lọng khoáng sản của Trung Quốc đối với wolfram và bismuth. EMC Metals, một công ty khai thác mỏ wolfram của Mỹ đang tiến hành mở lại mỏ Springer tại Nevada trong năm 2013[xviii]. Núi Pháo, một mỏ wolfram và bismuth thuộc hạng lớn nhất nhì thế giới cũng đi vào hoạt động tại Việt Nam trong năm nay.

Quân cờ Việt Nam trên bàn cờ khoáng sản

Việt Nam có lợi thế về nguồn khoáng sản đa dạng và dồi dào, đặc biệt là các khoáng sản quý hiếm. Điển hình nhất trong số đó là các mỏ đất hiếm phần lớn nằm trong tỉnh Lai Châu và các tỉnh Tây Bắc, bao gồm Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái). Tổng trữ lượng tài nguyên tại các mỏ này được cho là trên 16 triệu tấn oxit đất hiếm[xix], nhiều hơn cả trữ lượng này ở Mỹ là 13 triệu tấn (Mỹ từng là một cường quốc về đất hiếm)[xx]. Wolfram và bismuth cũng bắt đầu được tìm thấy ở một số tỉnh phía bắc, trong đó mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên) được coi là mỏ đa kim có trữ lượng thuộc hàng lớn nhất thế giới với các khoáng sản quý chủ lực như wolfram, florit và bismuth.

Nhờ lợi thế này, Việt Nam đang được nhìn nhận là một quân cờ quan trọng trong nỗ lực phá thế thòng lọng độc quyền của Trung Quốc. Gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia vào cuộc chơi thông qua các hình thức hợp tác với các nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ[xxi].

Cụ thể là trong năm 2012, Việt Nam và Nhật Bản đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đất hiếm với nhiệm vụ phát triển công nghệ khai thác đất hiếm tại Việt nam. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu và Công ty Phát triển đất hiếm Đông Pao - Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác, chế biến dất hiếm thân quặng F3 ở mỏ Đông Pao với mục tiêu đạt công suất 10.000 tấn/năm ô xít đất hiếm[xxii]. Dự án mỏ đa kim Núi Pháo cũng đã chính thức đi vào khai thác trong năm nay.

Dĩ nhiên, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không dễ ngồi nhìn Việt Nam “lên hạng”. Với chủ tâm thâu tóm thị trường khoáng sản thế giới, dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ khó có thể bỏ qua các mỏ khoáng sản của Việt Nam. Với chiến lược đã áp dụng ở nhiều nước, một mặt, các công ty Trung Quốc có thể áp dụng các phương pháp truyền thống như thu mua lại nguồn quặng từ Việt Nam cả thông qua chính nghạch và nhập lậu như lâu nay vẫn đang diễn ra; đầu tư, mua lại các mỏ; thăm dò và phát triển các dự án mới tại Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng ưu thế độc quyền của mình để chèn ép các công ty khoáng sản Việt Nam trên thị trường thế giới cũng như gây áp lực lên các đối tác khác nhằm giành lại lợi thế về tay mình. Liệu Trung Quốc có dùng các gọng kìm này để “bóp” Việt Nam hay không và Việt Nam có thoát khỏi các gọng kìm này hay không thì chỉ có hạ hồi phân giải.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

[i] Tungsten – The story of indispensable metal by Mildred Gwin Andrews – Pg 19
[v] Malaga breaks Chinese grip on Tungsten by Trish Saywell – 11/8/2010
[vii] Malaga breaks Chinese grip on Tungsten by Trish Saywell – 11/8/2010
[ix] Global Bismuth Metal Market by Metalworld 2009
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG