Đường dẫn truy cập

Bộ Chính trị - Nhân tai ‘chưa bao giờ như thế này’!


Giàn khai thác của PetroVietnam tại mỏ Bạch Hổ. Hình minh họa. (Ảnh: PVN)
Giàn khai thác của PetroVietnam tại mỏ Bạch Hổ. Hình minh họa. (Ảnh: PVN)

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại khuấy động dư luận khi 11/13 dự án đầu tư của PVN ở Venezuela, Peru, Mexico, Congo, Iran, Malaysia, Myanmar, Cambodia, Nga, hoặc mất sạch vốn, hoặc thua lỗ nên giữa chừng phải tìm cách chuyển nhượng (1).

Trong 11 dự án mất vốn, thua lỗ, dự án Junin 2 đang làm cả công chúng lẫn báo giới sôi sùng sục. Junin 2 là tên một dự án đầu tư tại Venezuela, trị giá 12,4 tỉ Mỹ kim. Năm 2010, PVN cam kết góp 40%, liên doanh giữa PVN và Venezuela sẽ vay 60% còn lại.

Giữa năm 2013, PVN quyết định “bỏ của chạy lấy người” sau khi đã góp 90 triệu Mỹ kim và đóng 442 triệu Mỹ kim cho cái gọi là “phí tham gia hợp đồng” (hoa hồng). Tổng số tiền PVN làm mất trong Junin 2 là 532 triệu Mỹ kim (2).

Mãi tới bây giờ, công chúng và báo giới mới xem việc PVN đầu tư vào các dự án thăm dò – khai thác dầu khí ở nước ngoài giống như thiêu thân lao vào lửa. Càng ngày càng nhiều người, nhiều giới chất vấn hệ thống công quyền rằng họ đã làm gì, ở đâu (3)?

Những câu hỏi như: Tại sao cộng đồng quốc tế đồng loạt cảnh báo về những rủi ro khi đầu tư vào Venezuela mà PVN vẫn lao vào, thậm chí còn chi 442 triệu Mỹ kim “hoa hồng” để được tham gia canh bạc mà không ai thèm chơi? Tại sao Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ cảnh báo mà không tích cực ngăn chặn trong khi Junin 2 ngốn đến 20% Quỹ Dự trữ ngoại tệ quốc gia? Tại sao đến 2013 mới quyết định tạm dừng việc đổ thêm vốn vào Junin 2?... đang dậy lên như bão.

Bộ Công an Việt Nam vừa cho biết, họ mới yêu cầu PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án Junin 2 để điều tra (4). Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, cựu Tổng Giám đốc PVEP (Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí), doanh nghiệp thay mặt PVN làm chủ đầu tư vào Junin 2, mới vừa từ chức Tổng Giám đốc PVN (5). Dẫu quyết định đầu tư vào Junin 2 đã được xác định là sai lầm, phải sửa bằng cách tạm ngưng đầu tư từ 2013 nhưng ông Sơn vẫn được qui hoạch làm lãnh đạo PVN!

Chuyện ông Sơn đột nhiên từ chức Tổng Giám đốc PVN và ngay sau đó, Bộ Công Thương công bố các thông tin, chính thức xác nhận những dự án mà PVN đã đầu tư bên ngoài Việt Nam là một thứ thảm họa đối với kinh tế quốc gia ở cả hiện tại lẫn tương lai, Bộ Công an loan báo sẽ điều tra,… mở đường cho đủ loại ý kiến chỉ trích. Chẳng riêng ông Sơn, những viên chức hữu trách trong nội các Nguyễn Tấn Dũng cũng bị tấn công vì đã không chu toàn “vai trò mà nhân dân kỳ vọng”.

Trên các phương tiện truyền thông chính thức, báo giới Việt Nam bắt đầu dẫn tâm sự của một số viên chức hữu trách, tiết lộ họ đã từng lên tiếng can gián, song những phân tích, cảnh báo về Junin 2 của họ bị vứt vào sọt rác. Có cựu bộ trưởng than, ông ta bị một số người ép, cuối cùng phải ký “Giấy Chứng nhận đầu tư” cho PVN đổ tiền vào Junin 2 dù quyết định đầu tư ấy phạm pháp bởi không thông qua Quốc hội. Giải pháp duy nhất mà ông bộ trưởng này có thể làm để tránh vạ là viết báo cáo gửi Bộ Chính trị (6).

Bộ Chính trị có làm gì không? Không! Bộ Chính trị không hề làm gì cho dù PVN qua mặt Quốc hội. Cuối cùng, không ai cản được PVN cam kết trả cho Venezuela “hoa hồng” là 1 Mỹ kim/thùng dầu, trong vòng 30 tháng, bất kể có tìm được thùng dầu nào hay không, PVN vẫn trả đủ cho Venezuela khoản “hoa hồng” là 584 triệu Mỹ kim bằng… tiền mặt. Thậm chí liên doanh thăm dò – khai thác dầu khí giữa PVN và Venezuela chưa chào đời, PVN đã chuyển cho Venezuela 300 triệu Mỹ kim…

Trước những tổn thất khổng lồ, những khoản nợ kèm lãi tuy chưa rõ ràng nhưng chắc chắn sẽ hết sức nặng nề cho quốc gia, nhiều người, nhiều giới, kể cả báo giới mới chỉ xoáy vào trách nhiệm của một số cơ quan (Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính,…), tổ chức (PVN, PVEP,…), cá nhân (Đinh La Thăng, Nguyễn Vũ Trường Sơn,…) mà quên vai trò của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị không chỉ màng đến cảnh báo của các viên chức hữu trách mà còn là tác nhân khai phá, mở đường cho PVN đem hàng tỉ Mỹ kim đi vứt.

***

Trong vài năm vừa qua, thiên hạ đã nói xa, nói gần về những dự án đầu tư ra nước ngoài để mua thảm họa của PVN song không có viên chức hữu trách nào của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thèm trả lời. Cho dù biết rất rõ PVN mất trắng 532 triệu Mỹ kim khi đầu tư vào Junin 2, chưa kể hàng chục dự án đầu tư khác rơi vào tình trạng “dở sống, dở chết”, chẳng khác gì đem hàng tỉ Mỹ kim đi rải ở nước ngoài từ 2013 nhưng tháng 7 năm 2015, Bộ Chính trị vẫn ban hành Nghị quyết 41/NQ-TW.

Nghị quyết 41-NQ/TW là định hướng của giới lãnh đạo đảng CSVN về “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”. Theo đó, PVN tiếp tục được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Nghị quyết 41-NQ-TW xác định sẽ “xây dựng hành lang pháp luật đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho PVN, nhất là quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; về cơ chế đầu tư ra nước ngoài” và sẽ “bảo đảm nguồn vốn cho PVN thực hiện các mục tiêu chiến lược”.

Chẳng riêng PVN, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Một thống kê được công bố hồi giữa năm ngoái (2018) cho biết, tính đến cuối năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đem bảy tỉ Mỹ kim ra nước ngoài đầu tư và khoảng 30% dự án đang trong tình trạng thua lỗ, hiệu quả sử dụng vốn của phần lớn dự án rất thấp, chưa kể nhiều dự án đối diện với dủ loại rủi ro về pháp lý, thị trường (7).

Đã có khá nhiều người, kể cả đại biểu Quốc hội từng tỏ ra bất an, từng đòi hệ thống công quyền Việt Nam cho biết cặn kẽ hơn về hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng không có hồi âm. Phong trào đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn được dùng như một thứ trang sức để minh họa cho sự “tài tình, sáng suốt” của Bộ Chính trị trong quá trình thực thi quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam. Những dự án đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ra nước ngoài còn được sử dụng để chứng minh “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước chưa bao giờ được như ngày nay”. Chi phí sắm phương tiện chứng minh dẫu mắc nhưng Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đâu có trả.

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/pvn-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-kieu-gi-ma-11-13-du-an-lo-khung-nhieu-ti-usd-20190314074556596.htm

(2) http://danviet.vn/kinh-te/he-lo-quy-mo-du-an-junin-2-tai-venezuela-khien-pvn-mat-trang-nghin-ty-963323.html

(3) https://tuoitre.vn/te-hon-ca-mot-canh-bac-20190315080050286.htm

(4) https://tuoitre.vn/dieu-tra-sai-pham-trong-du-an-dau-khi-ti-usd-tai-venezuela-20190313163809484.htm

(5) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/chan-dung-tong-giam-doc-pvn-nguyen-vu-truong-son-513573.html

(6) https://thanhnien.vn/thoi-su/pvn-nem-nghin-ti-tai-venezuela-ep-bo-truong-ky-phot-lo-bao-cao-quoc-hoi-1060807.html

(7) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-nha-nuoc-da-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-tren-7-ty-usd-29-du-an-bao-lo-luy-ke-20180528103534168.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG