Đường dẫn truy cập

Jordan lo sợ hệ quả từ việc Mỹ cắt viện trợ cho người tị nạn Palestine


Người Palestine nhận viện trợ lương thực của UNRWA tại nhà kho của Liên Hiệp Quốc ở trại tị nạn Shati, ở Thành phố Gaza , ngày 14 tháng 1, 2018.
Người Palestine nhận viện trợ lương thực của UNRWA tại nhà kho của Liên Hiệp Quốc ở trại tị nạn Shati, ở Thành phố Gaza , ngày 14 tháng 1, 2018.

Jordan hôm thứ Bảy nói họ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ đình chỉ tài trợ cho một cơ quan của Liên Hiệp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine, nói rằng việc này sẽ chỉ châm ngòi cho chủ nghĩa cực đoan và gây tổn hại cho hòa bình ở Trung Đông.

Ngoại trưởng Ayman Safadi nói với Reuters rằng đất nước của ông, nơi cho cư trú hơn 2 triệu trong số hơn 5 triệu người tị nạn đã đăng kí mà cơ quan này hỗ trợ, sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ để giảm nhẹ tình trạng eo hẹp tài chính nghiêm trọng mà cơ quan này đang đối diện.

Mỹ hôm thứ Sáu tuyên bố sẽ không còn hỗ trợ Cơ quan Cứu trợ và Công trình Liên Hiệp Quốc (UNRWA) nữa. Đầu năm nay, Mỹ, nước tài trợ lớn nhất của cơ quan này, đã cắt giảm giảm kinh phí.

“Việc gián đoạn các dịch vụ của UNRWA sẽ có những hệ quả cực kì nguy hiểm về nhân đạo, chính trị và an ninh cho người tị nạn và cho toàn khu vực,” ông Safadi nói với Reuters.

“Nó sẽ chỉ càng củng cố môi trường tuyệt vọng mà cuối cùng sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho căng thẳng hơn nữa. Về mặt chính trị, nó cũng sẽ gây hại thêm cho uy tín của các nỗ lực hòa bình.”

Ông Safadi nói một cuộc họp vào ngày 27 tháng 9 tại New York ở Liên Hiệp Quốc mà vương quốc này đang đồng bảo trợ với Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kì sẽ tìm cách “huy động sự hỗ trợ chính trị và tài chính cho cơ quan này.”

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng UNRWA nhận được ngân quỹ cần thiết để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho người tị nạn Palestine.

Jordan, nước đồng minh thân cận của Mỹ, nằm ngay giữa của cuộc xung đột Ả-rập - Israel. Nước này là nơi nương náu của nhiều người tị nạn hoặc hậu duệ của khoảng 700.000 người Palestine bị đuổi khỏi nhà hoặc chạy lánh cuộc chiến năm 1948 dẫn đến sự ra đời của nước Israel.

Các nhà ngoại giao nói quyết định của Mỹ đã khơi ra những lo ngại về chính sách Trung Đông mới dưới chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm tìm cách làm suy yếu và cuối cùng loại bỏ quyền hồi hương của hàng triệu người tị nạn Palestine, Reuters cho biết.

Ông Safadi nói sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với cơ quan này không thể tách rời khỏi các cuộc đàm phán trong tương lai về số phận của người tị nạn - một trong số những vấn đề nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột Ả-rập - Israel.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG