Đường dẫn truy cập

Iraq gửi lực lượng tình nguyện đến Ramadi


4.000 chí nguyện quân đã được không vận đến Ramadi từ các vùng có hầu hết người Sia cư ngụ như Karbala, Baghdad, Najaf và Basrah.
4.000 chí nguyện quân đã được không vận đến Ramadi từ các vùng có hầu hết người Sia cư ngụ như Karbala, Baghdad, Najaf và Basrah.

Chính phủ Iraq cho biết đang gởi 4.000 chí nguyện quân để tăng cường sự kiểm soát của chính phủ tại Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar. Động thái này diễn ra một ngày sau khi các chiến binh Peshmerga người Kurd chiếm một vài giếng dầu chiến lược gần thị trấn Kirkuk do người Kurd kiểm soát.

Truyền hình chính phủ Iraq loan báo là 4.000 chí nguyện quân đã được không vận đến Ramadi từ các vùng có hầu hết người Sia cư ngụ như Karbala, Baghdad, Najaf và Basrah.

Truyền hình cũng cho biết tỉnh trưởng Anbar Ahmed Khalaf al-Dulaimi loan báo việc này trong một tuyên bố ngày thứ Bảy.

Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Anbar, tướng Rashid Flayeh cho biết có khoảng 2.500 chí nguyện quân đã được máy bay trực thăng chở đến Ramadi hôm thứ Sáu. Số còn lại sẽ đến vào ngày thứ Bảy. Lực lượng chính phủ hiện kiểm soát Ramadi dù rằng phe nổi dậy Sunni chiếm thị trấn Faluja trong tỉnh Anbar, cách Baghdad 25 kilômét.

Một phát ngôn viên của Đại Giáo chủ Sia Iraq Ayatollah Ali al-Sistani, thúc đẩy các chí nguyện quân và các lực lượng chính qui Iraq tôn trọng quyền của người dân Iraq tại những vùng họ đang chiến đấu.

Sheikh Abdul Mehdi al-Karbalai đưa ra lời yêu cầu này trong một bài thuyết giảng ngày thứ Sáu. Ông nói ông kêu gọi các chí nguyện quân và binh sĩ đang chiến đấu để bảo vệ đất nước phải nghiêm chỉnh tôn trọng quyền của tất cả người dân Iraq và không được xâm phạm những quyền này bất kể họ thuộc giáo phái nào, sắc tộc nào hay thuộc các phe cánh chính trị nào.

Ayatollah Sistani công bố một giáo chỉ trong tháng trước kêu gọi những người tình nguyện bảo vệ Iraq chống lại các phần tử chủ chiến Sunni ISIL đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ phía bắc và phía tây Baghdad.

Việc gia tăng các hành vi bạo động giáo phái của các phần tử chủ chiến Sunni ISIL lẫn lực lượng chính phủ Sia dã được ghi nhận trong những ngày gần đây.

Các lực lượng của chính phủ hầu hết là người Sia đang chịu áp lực của các phần tử chủ chiến Sunni cũng như của các chiến binh Peshmerga người Kurd.

Các chiến binh Peshmerga hôm thứ Sáu đã kiểm soát được hai giếng dầu quan trọng phía nam thị trấn tranh chấp Kirkuk trong tay các lực lượng chính phủ. Chính các chiến binh Peshmerga đã chiếm được Kirkuk vào tháng trước.

Các nhà lãnh đạo Kurd đã dằng co với chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki về lợi tức dầu mỏ kể từ cuối năm ngoái.

Ông Falah Mustafa Bakir, người đứng dầu bộ quan hệ nước ngoài của Chính phủ Vùng của người Kurd chỉ trích chính phủ Maliki và bênh vực việc người Kurd chiếm các giếng dầu: “Tiếc thay, kể từ đầu năm nay, Thủ tướng Maliki đơn phương và bất hợp pháp cắt ngân sách của vùng Kurdistan và ngưng gởi tiền trả lương cho các công chức. Chúng tôi bắt buộc phải hành động để cung cấp dịch vụ và trả lương cho mọi người.”

Nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cho Kurdistan bơm dầu qua Kirkuk đến ống dẫn dầu Ceyhan qua lãnh thổ nước này. Tuy nhiên hiện không rõ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng như thế nào nếu Kurdistan tiến tới độc lập đối với Baghdad.

Học giả về Trung Đông Gary Sick thuộc trường đại học Columbia nói với Đài VOA là Kurdistan bị các nước láng giềng mạnh hơn bao vây. Những nước này không muốn thấy người Kurk giành được độc lập.

Ông nói: “Vấn đề lớn với Kurdistan là vùng này bị bao quanh bởi một nhóm nước không có lợi ích về một Kurdiatan thực sự độc lập. Và về mặt kinh tế, vùng này bị cô lập. Họ chỉ có một sản phẩm xuất khẩu duy nhất là dầu hỏa từ các giếng dầu ở phía bắc. Họ không có cách nào để xuất khẩu trừ phi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ có thể ra lệnh cho Kurdistan những gì họ muốn làm".

Ông Sick nói Iran cũng quan tâm về khả khả năng độc lập của người Kurd, do bởi dân số người Kurd tại nước này. Ông nói Iran có thể làm áp lực đối với người Kurd bằng cách từ chối cho phép hàng hóa của người Kurd qua biên giới nước này.

Trong một diễn biến khác, các phần tử chủ chiến ISIL đang giao tranh với các lực lượng chính phủ Iraq bên trong thị trấn chiến lược Haditha.

Ngày thứ Bảy chính phủ đẩy lùi các phần tử ISIL giữa những lo ngại là một con đập lớn bên ngoài thị trấn có thể rơi vào tay các phần tử chủ chiến. ISIL đã cho nước ngập các thị trấn chung quanh trước đây trong năm sau khi chiếm được một con đập khác của tỉnh Anbar.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG