Đường dẫn truy cập

Anh ra lệnh đóng cửa sứ quán Iran ngay lập tức


Cảnh sát Anh đứng gác bên ngoài Đại sứ quán Iran tại London, Thứ Tư, 30/11/2011
Cảnh sát Anh đứng gác bên ngoài Đại sứ quán Iran tại London, Thứ Tư, 30/11/2011

Xung đột giữa Iran và Anh

Căng thẳng giữa Anh và Iran đã có từ thế kỷ 19 khi London được những nhượng bộ kinh tế lớn lao. Sau đó Anh đã chiếm được quyền kiểm soát đáng kể trong công nghiệp dầu của Iran. Từ nhiều thập niên, những người Iran bị ám ảnh về những âm mưu đã lên án sự can thiệp của Anh vào Iran, trong đó có việc lật đổ Quốc vương Shah của Iran năm 1979. Quốc vương hiện đã qua đời.

Sau đây là một số những sự kiện gần đây hơn:

  • Tháng Tư 1980: Những tay súng Iran đã tràn vào đại sứ quán Iran tại London và bắt 26 con tin. Lực lượng đặc biệt Anh sau đó chiếm lại tòa nhà và hạ sát 5 tay súng, những người này khai họ phản đối tình trạng áp bức tại Iran.
  • Tháng Hai 1989: Giáo chủ Hồi giáo Ayatollah Khomeini ra sắc chỉ cho người Hồi giáo hạ sát tác giả mang quốc tịch Anh Salman Rushdie, nói rằng cuốn “Những Vần Thơ Của Quỉ” của ông là một sự phỉ báng Hồi giáo. Sau đó Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh. 10 năm sau 2 nước mới bình thường hóa ngoại giao trở lại.
  • Tháng Ba 2007: Iran bắt giữ 15 nhân viên hải quân Anh, cáo buộc họ xâm nhập hải phận Iran trái phép. Anh phủ nhận. Một tháng sau các thủy thủ đã được phóng thích.
  • Tháng Sáu 2007: Anh phong tỏa một số tài sản của Iran theo biện pháp chế tài nhắm vào Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Lãnh đạo tối cao của Iran gán cho nước Anh là “tàn độc nhất” trong số những kẻ thù của nước này. Ông nói Anh đóng 1 vai trò trong vụ bất ổn liên quan đến cuộc tái tranh cử gây tranh cãi của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
  • Tháng 11 2011: Anh cắt đứt quan hệ tài chánh với các ngân hàng Iran trong 1 bước chế tài mới nhắm vào nỗ lực bị cho là triển khai vũ khí hạt nhân của Iran. Những người phản kháng đã tràn vào đại sứ quán Anh tại Tehran, 2 ngày sau khi quốc hội Iran biểu quyết giảm bớt các quan hệ với Anh, trả đũa các biện pháp chế tài mới của nước này.

Anh đã ra lệnh đóng cửa ngay lập tức sứ quán Iran tại London và đã đóng cửa sứ quán của họ tại Tehran, sau khi xảy ra cuộc tấn công của đám đông vào khu sứ quán Anh hôm thứ Ba tại thủ đô Tehran của Iran.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague loan báo quyết định này tại quốc hội hôm thứ Tư.

Ông nói rằng các viên chức ngoại giao Iran đã được lệnh rời khỏi Anh trong vòng 48 giờ đồng hồ. Ông nói thêm đáp ứng của Anh không phải là dấu hiệu Anh sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, tuy nhiên, ông nói hành động đó là “đưa quan hệ với Iran xuống mức thấp nhất, phù hợp với thủ tục duy trì quan hệ ngoại giao.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cực lực lên án vụ tấn công sứ quán Anh, coi đó là một sự đối đầu không phải chỉ với nhân dân Anh mà còn với cộng đồng quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, vụ tấn công này “đi ngược lại” luật pháp cùng tiêu chuẩn quốc tế và phải được xử lý “thích đáng.” Đây là lời chỉ trích hiếm hoi của Trung Quốc đối với Iran, nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Iran để tham khảo ý kiến. Bộ Ngoại giao Pháp nói đây là kết quả của “sự vi phạm trắng trợn không chấp nhận được” của Iran đối với quy tắc ngoại giao quốc tế.

Đức cũng triệu hồi đại sứ của họ khỏi Iran.

Na Uy đã đóng cửa phái bộ ngoại giao của họ tại Tehran sau khi xảy ra cuộc tấn công của đám đông vào sứ quán Anh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG