Đường dẫn truy cập

'Công cụ vượt kiểm duyệt internet hữu hiệu nhưng không an toàn'


'Công cụ vượt kiểm duyệt internet hữu hiệu nhưng không an toàn'
'Công cụ vượt kiểm duyệt internet hữu hiệu nhưng không an toàn'

Giữa lúc Internet đang đóng một vai trò quan trọng giúp tổ chức các cuộc biểu tình và phổ biến thông tin khắp khu vực Trung Đông và những nơi khác trên thế giới, một phúc trình do tổ chức bảo vệ nhân quyền Freedom House công bố hôm thứ ba trình bày về tính hiệu quả của các công cụ vượt thoát kiểm duyệt internet trong việc tìm cách lách khỏi sự kiểm duyệt. Tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên VOA, Julie Ann McKellogg, phúc trình cũng cảnh báo các ảnh hưởng về an ninh của những phần mềm này.

Phúc trình hướng dẫn người sử dụng internet chọn các công cụ vượt thoát kiểm duyệt hữu hiệu và dễ dùng tại các quốc gia kiểm soát internet gắt gao.

Dựa trên một cuộc khảo sát giới sử dụng internet tại Iran, Azerbaijan, Trung Quốc, và Miến Điện, phúc trình kết luận rằng tất cả 11 công cụ vượt thoát kiểm duyệt đều hiệu quả, đồng thời nêu lên các mặt lợi-hại của chúng. Phúc trình đề nghị dùng các công cụ này dựa trên thói quen sử dụng internet của người truy cập là tải thông tin về hay đăng thông tin lên, tùy theo việc người sử dụng chuộng yếu tố an toàn hay chọn tốc độ, và tùy vào mức độ riêng tư và an ninh mà người sử dụng internet mong muốn.

Ông Cormac Callanan, người đứng đầu công ty Giải pháp Internet Aconite có trụ sở Dublin, Ireland, và cũng là một tác giả của bản phúc trình, kêu gọi mọi người hãy cẩn thận khi sử dụng các công cụ vượt thoát kiểm duyệt internet.

Ông Callanan nói: “Vượt thoát kiểm duyệt không phải là biện pháp an toàn. Các yếu tố như sự an toàn, ẩn danh, và tính riêng tư rất quan trọng và cần phải được lưu ý. Đối với người sử dụng, chúng tôi chỉ có thể lặp lại rằng sự an toàn không nằm trong một công cụ đơn lẻ và rằng nó đã trở thành một cách sống.”

Các công cụ vượt thoát kiểm duyệt cho phép người sử dụng internet lách qua các công cụ chặn lọc ngăn cản nội dung truy cập, mà trong trường hợp này là do các chính phủ áp bức đặt ra, và tìm một phương cách thay thế khác để truy cập thông tin.

Theo phúc trình, những người sử dụng internet cho biết họ thích được truy cập internet một cách nhanh chóng hơn là truy cập một cách an toàn. Ông Callanan nói phát hiện này khiến ông ngạc nhiên, nhưng ông cho rằng người dân địa phương hiểu rõ tình trạng kiểm duyệt và những hậu quả của nó hơn ai hết.

Ông Callanan nói tiếp: “Họ hiểu biết một cách nhanh nhạy và xác thực về những gì đang diễn ra trong hệ thống kiểm duyệt nhà nước, trong công tác kiểm soát và theo dõi ở địa phương hơn phần đông chúng ta trên thế giới.”

Bản phúc trình do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ phát hiện rằng đối với những người dùng internet để gửi tài liệu, tính an toàn quan trọng hơn so với những người dùng internet để tiếp cận và xem thông tin.

Giám đốc Dự án về Tự do Internet của tổ chức Freedom House, ông Robert Guerra, nói rằng phần mềm vượt thoát kiểm duyệt internet không chỉ dành riêng cho những nhà hoạt động.

Ông Guerra nói: “Tôi nghĩ để cho công cụ này có thể trở nên thông dụng, chúng ta đừng chính trị hóa vấn đề. Không phải chỉ nói về việc truy cập các trang mạng bị khóa chặn, mà nói về việc tiếp cận tất cả những gì có thể bị ngăn cản mà không nhất thiết mang tính đe dọa. Nếu một người muốn truy cập các video về nấu ăn trên Youtube mà Youtube lại bị khóa chặn thì quả là một điều không hay.”

Bà Karen Rielly là giám đốc phát triển Dự án Tor, một công ty chuyên sản xuất phần mềm vượt thoát kiểm duyệt internet, cho hay ngay cả công ty của bà cũng không thể biết người sử dụng phần mềm Tor là ai.

Bà Rielly cho biết: “Tor tách biệt nơi bạn truy cập internet với lai lịch của bạn. Nó giúp dấu địa chỉ IP, vốn là yếu tố có thể liên kết để truy ra nơi bạn đang có mặt.”

Bà Rielly lưu ý rằng Tor và các sản phẩm tương tự đã được sử dụng rộng rãi ở Ai Cập trước khi chính phủ nước này cắt đứt dịch vụ cung cấp internet trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình hồi gần đây. Ai Cập không phải là quốc gia đầu tiên gần như đóng cửa không cho truy cập internet. Miến Điện, Nepal, và Trung Quốc cũng đã sử dụng các chiến thuật tương tự.

Tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, khẳng định rằng các giới hạn về hoạt động internet ngăn cấm quyền tự do bày tỏ tư tưởng là một trong ba xu hướng đáng quan ngại về nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG