Đường dẫn truy cập

Ấn Độ: Khía cạnh xã hội của việc chuẩn bị cho ‘Commonwealth Games’


Trong lúc thủ đô Ấn Độ chuẩn bị tổ chức Tranh Tài Thể Thao của khối Thịnh Vượng Chung vào tháng Mười, thủ đô New Delhi đang thực hiện một chiến dịch xây cất và làm đẹp thành phố rầm rộ trị giá 6 tỉ đô la. Hầu hết công trình này do một số đông dân lao động từ nơi khác đổ tới thành phố thực hiện. Và nhiều công nhân tới với gia đình họ. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA, Steve Herman, thì tình trạng này sẽ khiến nhiều trẻ em bị đặt trước hoàn cảnh nguy hiểm và không được chăm sóc đầy đủ.

Đây là một quang cảnh ngày càng thường thấy hơn tại New Delhi - trẻ nhỏ chơi đùa nơi những công trình xây dựng, hết sức nguy hiểm vì rất gần với các thiết bị cơ giới nặng.

Một số người ước tính rằng, cuộc Tranh Tài Thể Thao của khối Thịnh Vượng Chung đã đem thêm vào New Delhi 10 ngàn trẻ em. Nhiều em sống trong những điều kiện dơ bẩn, không có điện và không đủ nhà vệ sinh.

Luật sư Subhash Bhatnagar là một người hoạt động xã hội, đang tìm cách giúp đỡ các trẻ em vừa kể. Ông nói:

“Tại quê hương của họ ở vùng nông thôn, những người lao động này thường sống trong điều kiện hầu như đói kém. Đó là lý do thúc đẩy họ ra đi chứ không phải New Delhi là nơi lôi cuốn họ tới để mong có được một đời sống khá hơn. Họ bị đẩy ra khỏi quê hương vì không có phương tiện gì để kiếm sống nếu ở lại.”

Nhiều trẻ em có mặt tại đây bởi vì cha của chúng không muốn để vợ con ở lại quê nhà mà không được bảo vệ. Vì thế trẻ em cũng tới. Và mẹ của chúng cũng nằm trong số các công nhân.

Bà Kiran Bedi có chồng bị ốm nên đã cùng với 4 đứa con vượt đoạn đường 600 kilomet tới New Delhi để kiếm 2 đô la một ngày và bữa ăn cho các con. Gia đình này sống dưới gầm cầu xa lộ. Bà Bedi nói rằng, các con bà chạy chơi lang thang khi bà làm việc.

Qua lời một thông dịch viên, bà Bedi cho biết:

“Tôi đã tìm cách gởi con vào các trường học của chính phủ tại đây nhưng không được nhận. Người ta đã từ chối và nói rằng chúng tôi là giai cấp thợ thuyền. Ngay cả nếu họ chấp nhận cho con chúng tôi vào học thì chúng tôi cũng không có khả năng đóng học phí.”

Một số trẻ em nhận được trợ giúp từ các chương trình của những tổ chức phi lợi nhuận, chẳng hạn như tổ chức Mobile Creches.

Tổ chức này cung ứng trường học miễn phí, dịch vụ giữ trẻ ban ngày và bữa ăn bổ sung cho khoảng 80 em tại mỗi cơ sở của họ gần 20 công trình xây dựng.

Người quản lý tổ chức Mobile Creches là bà Anjali Alexander. Bà cho biết các em thường di chuyển từ khu này tới khu khác, và sự di chuyển liên tục đã gây phương hại đến sự phát triển của chúng. Bà nói, “Điều đó gây ảnh hưởng rất nặng nề cho các em.”

Pháp luật đòi hỏi 1% phí tổn của các dự án xây dựng phải được dành riêng cho một quĩ phúc lợi của công nhân, một phần để trả chi phí cho các cơ sở giữ trẻ và trường học. Luật này không được nghiêm túc tuân thủ, chính phủ New Delhi đã thu gom được một quĩ phúc lợi lên tới 70 triệu đôla, mặc dù những nhà vận động tranh đấu nói rằng chỉ có khoảng 30 ngàn đôla phúc lợi được đem tới cho các công nhân.

Nhiều công nhân không có giấy tờ tùy thân cho nên thường họ bị trả lương thấp; họ không đăng ký vào chương trình an sinh xã hội và cũng không được phân phát đủ các thiết bị an toàn.

Nhưng bà Anjali Alexander cho biết số phận khốn cùng của các công nhân và con em họ không hề là mối quan tâm của giới trung lưu và thượng lưu sống tại New Delhi. Bà nói:

“Họ hoàn toàn thờ ơ. Hoàn toàn. Điều tôi muốn nói là họ không mảy may xúc động, vì hằng ngày họ vẫn chứng kiến những cảnh đó quen mắt quá rồi . Họ không coi chuyện này là vấn đề của họ. Không chút nào.”

Tòa Thượng Thẩm New Delhi đã ra lệnh cho một ủy ban điều tra những tố giác về các vi phạm luật lao động tại các địa điểm xây cất thuộc dự án Tranh Tài Thể Thao của Khối Thịnh Vượng Chung. Một phúc trình về vấn đề này sẽ phải được hoàn tất và công bố vào tháng Ba. Nhưng theo dự kiến của các nhóm tranh đấu cho nhân quyền, các cuộc tranh tài tại đó sẽ chấm dứt, và những công nhân và gia đình họ sẽ phân tán đi các nơi khác trước khi tiến trình pháp lý được thực hiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG