Đường dẫn truy cập

Im lặng không làm chúng ta vô can


Lớp trẻ như chúng tôi, đáng nhẽ được kỳ vọng là nhân tố quan trọng để thay đổi tương lai của đất nước, thì hơn ai hết, chúng tôi lại càng muốn tạo một vỏ bọc bình an nhất có thể. (Ảnh minh họa)
Lớp trẻ như chúng tôi, đáng nhẽ được kỳ vọng là nhân tố quan trọng để thay đổi tương lai của đất nước, thì hơn ai hết, chúng tôi lại càng muốn tạo một vỏ bọc bình an nhất có thể. (Ảnh minh họa)

Chính trị luôn là một vấn đề phức tạp, một “lãnh địa” nhạy cảm mà hầu hết chúng ta thường từ chối đề cập hay đụng chạm tới nếu muốn đảm bảo một cuộc sống ổn định, yên bình. Nhất là tại những đất nước có một thể chế còn hơi hướng độc tài như Việt Nam. Lớp trẻ như chúng tôi, đáng nhẽ được kỳ vọng là nhân tố quan trọng để thay đổi tương lai của đất nước, thì hơn ai hết, chúng tôi lại càng muốn tạo một vỏ bọc bình an nhất có thể. Không phải bởi tuổi trẻ ngu ngơ và bị tẩy não. Sống ở các thành phố lớn, được cha mẹ tạo mọi điều kiện để được giáo dục đàng hoàng, thậm chí là đi đông đi tây khắp chốn và trở về với kiến thức đầy đủ và tân tiến, đa số người trẻ Việt vẫn có thái độ khá hờ hững với chính trị nước nhà. Chính trị chỉ là đôi ba câu chuyện vui vô thưởng vô phạt khi tụ tập bàn nhậu, tiệc tàn, tất cả lại lui sâu vào lớp vỏ yên bình.

Chỉ đến khi cái câu chuyện chính trị tưởng chừng xa xôi và lạ lẫm kia ảnh hưởng đến chính cuộc sống của mình, đến chính đam mê của mình, chúng tôi mới nhận ra sự thật luôn sừng sững trước mắt, rằng sự im lặng của bản thân không làm cho cuộc sống của mình dễ thở hơn. Có cô bạn đam mê nhiếp ảnh, nghe đâu có cuộc thi ảnh ở tận... Nam Triều Tiên. Lần đầu tiên đi làm đủ mọi loại thủ tục giấy tờ đặt chân sang một nước “tư bản”, cô mới thấy ngậm ngùi cái số phận của công dân Việt cầm hộ chiếu Việt. Nộp hồ sơ không chưa đủ, tiền đầy trong tài khoản cũng chưa xong, bên đại sứ quán bắt đợi thêm 2 tuần để hẹn lịch lên phỏng vấn, với cái lý do muôn thuở: họ sợ người Việt trốn ở lại. Việc hàng ngàn người Việt đã đi và đi luôn, không quay về, dẫu không muốn, cũng để lại ấn tượng xấu về đất nước vốn nghèo nàn nay càng thêm xấu xí trong mắt quốc tế. Và người ta sợ hãi khi phải ngồi dò xét dù chỉ một cuốn hộ chiếu từ Việt Nam. Tôi nhớ mình đã đọc đâu đó lời đức cha Ngô Quang Kiệt nói về nỗi nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt “đi đâu cũng bị soi xét. Làm sao như một người Nhật, cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Người Nam Triều Tiên bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh và làm sao cho thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.” Cha nói những lời trăn trở đấy vào khoảng 10 năm trước, đến giờ tình trạng vẫn không có gì thay đổi. Có khác, chắc là người Việt đổi hộ chiếu sang nước khác nhiều hơn mà thôi. Quay lại chuyện cô bạn kia, cuối cùng không hiểu vì lý do gì, hên xui ra sao, cô bị từ chối cấp visa.

Ngày hôm nay buổi trưa ngồi ăn với đồng nghiệp, bạn kể có một nhóm bạn nghệ sĩ của mình vừa tổ chức một cuộc diễn giao lưu nghệ thuật nhỏ vào 2 ngày cuối tuần, nhảy nhót có, diễn kịch có, vẽ vời cũng có. Buổi diễn đang vui vẻ thì một nhóm (tự xưng) công an vào phá, với lý do trái với “thuần phong mỹ tục” bởi họ diễn theo hình thức nghệ thuật “nude” với bộ quần áo màu da người mặc ngoài. Ấm ức. Những người trẻ, đang ngày đêm sống chỉ cùng đam mê, họ ấm ức. Có nhiều bạn trẻ làm kinh doanh, họ sống bình tĩnh và chấp nhận hơn, nhưng cũng thở dài kể chuyện tiền nong mỗi tháng phải trích “boa” ngầm cho tụi chính quyền để làm ăn yên ổn ra làm sao. Họ chấp nhận như một cách vận hành bình thường của xã hội mà họ là những bánh xe quay vòng vòng trong cỗ máy xã hội, nhưng không nhận ra rằng cỗ máy ấy không còn chạy nổi, đã cũ kỹ và đổ nát đến thế nào.

Nhiều năm trước đây tôi cũng không chút mảy may dính dáng đến chuyện chính trị. Tôi ngại nhắc tới cũng như ngại tìm hiểu. Cho đến một ngày 4 năm về trước trong một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhìn thấy những cô cậu bạn người Mỹ cùng trang lứa truyền tay nhau những chiếc áo trắng in tên ứng cử viên họ ủng hộ, hay các lớp học chính trị mời đến theo dõi cuộc “debate” (tranh luận) của các học viên về nhiều vấn đề chính trị trong và ngoài nước, tôi ngỡ ngàng thấy mình cũng như các bạn trẻ Việt đang tự rúc mình vào một vỏ bọc lặng im lầm lạc. Trong những ngày này, 200.000 người dân đổ về trung tâm thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên để lên tiếng đòi tổng thống đương nhiệm phải từ chức vì những bê bối chính trị do bà gây ra trong thời gian qua; người Mỹ đang rầm rộ kêu gọi nhau đi bầu cử, tiếp tục đưa ra những thông tin cuối cùng nhằm ủng hộ ứng cử viên tổng thống của phe mình. Còn ở Việt Nam, người dân chỉ còn biết than trời trách đất khi chính những đam mê, quyền lợi cá nhân của mình đang bị chèn ép, đàn áp một cách vô lý, hèn hạ.

* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG