Đường dẫn truy cập

Cuộc hưu chiến ngoại giao Ðài Loan-Trung Quốc tiếp tục được tuân thủ


Phó Tổng thống Đài Loan Ngô Đôn Nghĩa
Phó Tổng thống Đài Loan Ngô Đôn Nghĩa
Trong tháng này Phó Tổng thống Đài Loan sẽ ghé lại Mỹ tổng cộng 4 ngày trong một diễn tiến mà trước đây thường gặp phải sự phản đối chính thức của Trung Quốc. Phó Tổng thống Ngô Đôn Nghĩa đã tới New York trong khi đi thăm các nước đồng minh ở châu Mỹ La tinh và sẽ ghé lại Los Angles trong lúc trên đường về nước. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ralph Jennings ở Đài Bắc, việc quá cảnh êm thắm của ông Ngô là một trong những kết quả tốt đẹp của cuộc hưu chiến ngoại giao giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

Không lâu sau khi nhậm chức tổng thống Đài Loan năm 2008, ông Mã Anh Cửu đã tuyên bố một cuộc hưu chiến ngoại giao với Trung Quốc.

Tuyên bố đơn phương đó đã chấm dứt những hoạt động ngoại giao kim tiền của Đài Loan trong quá khứ, khi Đài Bắc và Trung Quốc thi nhau dùng tiền bạc mua chuộc các nước nghèo để tranh giành sự thừa nhận ngoại giao của cộng đồng quốc tế. Các nhà lãnh đạo ở Đài Bắc đã thay đổi đường lối giữa lúc Đài Loan chỉ có quan hệ chính thức với 23 nước trong khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với khoảng 170 quốc gia trên thế giới.

Ông Lệnh Hồ Vinh Đạt, Vụ trưởng Vụ Mỹ châu của Bộ Ngoại giao Đài Loan, nói rằng cuộc hưu chiến này đã giúp cho Đài Loan giữ được các nước đồng minh chính thức, tiếp xúc nhiều hơn với các giới chức cấp cao của chính phủ Mỹ và tranh thủ được sự ưu đãi về thị thực nhập cảnh của 54 nước.

Ông Lệnh cho biết: "Hưu chiến ngoại giao và những thành quả của hưu chiến ngoại giao là một vấn đề rất bao quát. Tôi chỉ xin nêu lên những sự việc cụ thể về những thành quả đạt được là chúng tôi tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp với 23 nước có bang giao. Chúng tôi cũng đạt được tiến bộ trong lãnh vực tham dự các hoạt động quốc tế, tuy còn phải cố gắng hơn nữa. Chúng tôi có quan hệ tốt với các nước lớn trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên hiệp Âu châu. Đặc biệt là trong vấn đề ưu đãi về thị thực nhập cảnh, trước đây chúng tôi có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ cho chúng tôi miễn thị thực nhập cảnh hoặc có thể xin thị thực ngay tại phi trường; bây giờ con số này đã lên tới 128 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là thành quả của cuộc hưu chiến ngoại giao và có liên hệ mật thiết với sinh hoạt của người dân bình thường."

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan từ khi xảy ra cuộc nội chiến ở Trung Quốc trong thập niên 1940. Đài Loan xem các mối quan hệ với những nước khác như một bằng chứng về sự tự trị mà họ đã có từ đó tới nay. Nhưng kể từ năm 2008, trong lúc có rất ít đồng minh chính thức, Đài Loan đã chú trọng nhiều hơn tới các mối quan hệ văn hóa và kinh tế không chính thức với các nước lớn trên thế giới và né tránh việc thách thức những mối quan hệ ngoại giao chính thức của Trung Quốc.

Trung Quốc chưa hề công khai thừa nhận cuộc hưu chiến ngoại giao, nhưng các nhà phân tích nói rằng trong chốn riêng tư Bắc Kinh tôn trọng cuộc hưu chiến và e rằng cuộc hưu chiến có thể bị hủy bỏ nếu đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu bị thất bại trong một cuộc bầu cử tổng thống.

Hiện nay, Trung Quốc đã thôi không đưa ra những kháng nghị mạnh mẽ chống lại Hoa Kỳ mỗi khi các giới chức cấp cao của Đài Loan qua cảnh nước Mỹ. Trung Quốc xem các mối liên hệ thân thiện với Đài Loan là một bước tiến tới mục tiêu thống nhất chính trị.

Ông Nathan Liu, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Minh Truyền ở Đài Bắc, cho rằng việc ký kết hiệp định bảo vệ đầu tư hồi đầu tháng này sau những cuộc thương thuyết rất gay go và bị trì hoãn khá lâu cho thấy rằng Trung Quốc đang muốn duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với Đài Loan.

Ông Liu nói: "Tôi nghĩ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vẫn còn tin tưởng vào chính phủ của ông Mã Anh Cửu. Trước khi diễn ra cuộc thương thuyết về hiệp định bảo vệ đầu tư, nhiều học giả và các nhà bình luận nói rằng Trung Quốc không muốn làm điều gì có lợi cho ông Mã Anh Cửu hoặc họ từ chối tiếp sức cho ông ấy. Nhưng từ cuộc thương thuyết và các kết quả của nó chúng ta có thể thấy là Trung Quốc, trên cơ bản, sẵn lòng chìu theo ý muốn của ông Mã Anh Cửu."

Năm 2010, Tổng thống Mã Anh Cửu đã quá cảnh nước Mỹ trong lúc đi thăm những nước đồng minh ở Mỹ châu La tinh, là những nước không thể tới được bằng những chuyến bay thẳng từ Đài Loan. Khi đó Trung Quốc không phản đối Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, khi cựu Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển quá cảnh ở New York năm 2001, Bắc Kinh đã trao kháng thư cho Hoa Kỳ trong lúc Tổng thống Mỹ lúc đó là ông George W Bush đang ra sức tăng cường quan hệ với Trung Quốc, là nước có nền kinh tế đang phát triển rất nhanh chóng.

Ông Trần Thủy Biển đã làm cho Bắc Kinh tức giận, và rốt cuộc đã làm cho Washington bực bội, qua những hành động tiến tới mục tiêu là làm cho Đài Loan chính thức tách khỏi Trung Quốc để độc lập. Năm 2006, ông Trần Thủy Biển bị Hoa Kỳ yêu cầu quá cảnh ở Alaska, thay vì ở một thành phố lớn trên lục địa nước Mỹ. Ông Trần khi đó đã suýt hủy bỏ chuyến đi để phản đối. Thời gian quá cảnh của ông Trần cũng ngắn hơn so với ông Ngô Đôn Nghĩa.

Ông Nathan Liu của Đại học Minh Truyền nói rằng vị phó tổng thống của Đài Loan được đãi ngộ rất tốt.

Ông Liu cho biết: "Nếu so sánh chuyến đi này với những chuyến đi dưới thời Trần Thủy Biển, tôi không nghĩ rằng bà Lữ Tú Liên, phó tổng thống trong chính phủ Trần Thủy Biển, hay chính ông Trần Thủy Biển, sẽ được đãi ngộ như vậy. Lý do là vì trong nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng thống Bush, ông ấy rất nghi ngờ những hành động của ông Trần Thủy Biển. Vì vậy nên tôi nghĩ rằng sự đãi ngộ của Washington đối với ông Ngô Đôn Nghĩa là một dấu hiệu tốt cho chính phủ của ông Mã Anh Cửu."

Tòa đại sứ trên thực tế của Mỹ ở Đài Bắc nói rằng những chuyến quá cảnh của phó Tổng thống Đài Loan trong tháng này không liên hệ gì với cuộc hưu chiến của Đài Loan với Trung Quốc. Họ nói rằng việc cho phép ghé lại nước Mỹ chỉ có mục tiêu là mang lại sự thoải mái và tiện lợi cho các giới chức Đài Loan trên đường tới Mỹ châu La tinh. Họ nói thêm rằng các giới chức Đài Loan vẫn tiếp tục được yêu cầu không tham gia các sinh hoạt công khai ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các giới chức Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực bao quát hơn của Tổng thống Mã Anh Cửu nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh việc thực thi cuộc hưu chiến ngoại giao, chính phủ của ông Mã Anh Cửu đã mở các cuộc hội họp thường xuyên và có tính chất tích cực với các giới chức Trung Cộng, và đôi bên đã ký kết 18 hiệp định về kinh tế và thương mại. Những cuộc đối thoại như vậy đã không thể thực hiện dưới thời ông Trần Thủy Biển, từ năm 2000 đến năm 2008, vì quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan bị suy sụp. Một dấu hiệu rõ ràng của sự ủng hộ của Washington dành cho ông Mã Anh Cửu là sự tăng mạnh của những chuyến viếng thăm Đài Loan của các viên chức cấp bộ trưởng của Mỹ.

Các giới chức Mỹ mong muốn quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan được cải thiện để họ có thể siết chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong lúc tiếp tục hậu thuẫn cho Đài Loan. Theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, Washington có bổn phận giúp cho đảo quốc này tự vệ trước những cuộc tấn công của các nước khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG