Đường dẫn truy cập

HRW thúc thủ tướng Nhật nêu vấn đề nhân quyền khi thăm Việt Nam


Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại một cuộc họp báo ở Tokyo ngày 26/4. Ông Kishida bị HRW thúc giục kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền khi tới thăm Hà Nội trong chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á dự kiến bắt đầu cuối tháng này.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại một cuộc họp báo ở Tokyo ngày 26/4. Ông Kishida bị HRW thúc giục kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền khi tới thăm Hà Nội trong chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á dự kiến bắt đầu cuối tháng này.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch hôm 26/4 kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gây sức ép với chính quyền Việt Nam nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền trong chuyến công du sắp tới đến ba nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Theo truyền thông Nhật Bản, ông Kishida sẽ tới thăm ba nước Đông Nam Á và hai quốc gia châu Âu, gồm Ý và Anh, bắt đầu từ ngày 29/4 đến 6/5.

Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về chuyến thăm sắp tới của thủ tướng Nhật Bản nhưng truyền thông trong nước trích dẫn tin của Kyodo nói rằng Việt Nam là một trong các điểm đến trong chuyến công du của ông Kishida. Nếu không có sự thay đổi, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Kishida, người nhậm chức thủ tướng Nhật vào tháng 10 năm ngoái thay cho ông Yoshihide Suga, tới Hà Nội.

“Nhật Bản cần vận dụng ảnh hưởng của mình, với tư cách là một nhà đầu tư kinh tế và tài trợ lớn, để gây sức ép với Indonesia, Thái Lan và Việt Nam nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền của các nước này,” bà Kanae Doi, giám đốc chuyên trách Nhật Bản của HRW nói trong một thông cáo.

HRW nói rằng khi ở Việt Nam, Thủ tướng Kishida cần công khai bày tỏ các mối quan ngại về việc chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền.

Thống kê của HRW cho thấy từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2022, có ít nhất 51 người ở Việt Nam bị xét xử, kết tội và tuyên án nhiều năm tù giam “vì thực thi các quyền cơ bản của mình về tự do biểu đạt, lập hội và tự do tôn giáo.” Tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ, thúc giục ông Kishida kêu gọi gới lãnh đạo Việt Nam “phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện các tù nhân chính trị,” trong đó có chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng, cũng là một blogger của VOA và bị kết án 15 tù, cùng nhiều người khác.

Việt Nam luôn nói rằng chính quyền chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật và “không có cái gọi là tù nhân lương tâm" ở đây cũng như luôn phản bác các cáo buộc về hồ sơ nhân quyền tồi tệ từ các tổ chức quốc tế.

Nhật Bản là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất của Việt Nam và mối quan hệ giữa Tokyo và Hà Nội cũng trở nên gắn bó hơn trong những năm gần đây khi hai nước cùng chia sẻ các mối quan ngại về sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực và trên biển.

Do đó, HRW cho rằng ông Kishida “cần công khai bày tỏ quan ngại về việc Đảng Cộng sản Việt nam cấm bất kỳ tổ chức hoặc nhóm hội nào bị coi là mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của mình được thành lập và hoạt động.” Tổ chức này còn kêu gọi thủ tướng Nhật gây sức ép để Việt nam “tôn trọng quyền tự do biểu đạt trên mạng và chấm dứt việc chặn đường truy cập tới một số trang mạng hay buộc các công ty truyền thông và mạng xã hội gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị.”

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) nói rằng Việt Nam tăng cường kiểm soát mạng xã hội và tiếp tục không có tự do báo chí trong khi Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho rằng các nền tảng mạng xã hội như Facebook và YouTube bị chính quyền Việt Nam ép “thỏa hiệp” trong việc kiểm duyệt thông tin.

Một báo cáo của HRW đưa ra hồi đầu năm nay nói rằng chính quyền Việt Nam cho người canh giữ trước nhà hay chặn việc đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền một cách “có hệ thống”. Tháng trước, chính quyền Hà Nội đã ngăn cản một số người ủng hộ dân chủ không cho tới tham dự một sự kiện ủng hộ Ukraine ở đây.

Dự kiến ông Kishida sẽ bàn thảo và trao đổi quan điểm với các lãnh đạo Việt Nam và Đông Nam Á cũng như châu Âu liên quan đến cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine trong chuyến công du sắp tới, theo nhật báo quốc gia Nhật Bản Mainichi Japan.

Không rõ nhân quyền có nằm trong nghị trình thảo luận của ông Kishida khi đến thăm Việt Nam hay không. VOA đã gửi yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của HRW đối với Thủ tướng Kishida tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

“Nhật Bản đã hãnh diện tuyên bố cam kết bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, nhưng trên thực tế đã làm quá ít trong việc gây sức ép với các chính phủ vi phạm nhân quyền ở chính châu Á để họ cải thiện hồ sơ của mình,” bà Doi nói. “Chuyến thăm Đông Nam Á của Thủ tướng Kishida là một cơ hội quan trọng để phá vỡ tình trạng im lặng lâu dài của Tokyo về các vi phạm nhân quyền ở nước ngoài và, thay vào đó, khởi xướng vai trò lãnh đạo toàn cầu về các vấn đề nhân quyền.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG