Đường dẫn truy cập

Hong Kong và bảy điều về chế độ cộng sản


Một sinh viên giương tấm bảng vinh danh thiếu nữ bị bắn vào mắt trong một cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Một sinh viên giương tấm bảng vinh danh thiếu nữ bị bắn vào mắt trong một cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Mười tuần biểu tình ở Hong Kong đã cho thấy người dân ở đây đã chán ngấy với kiểu treo đầu dê ‘một nước hai chế độ’ nhưng bán món thịt chó độc tài toàn trị của Bắc Kinh.

Để hiểu được mức độ phẫn nộ của người dân Hong Kong, hãy thử tưởng tượng gần một phần tư dân Việt Nam xuống đường như người Hong Kong đã làm khi có lúc 1,7 triệu người tham gia biểu tình. Con số tương tự với phần trăm dân số ở Việt Nam sẽ tương đương với gần 25 triệu người.

Các cuộc biểu tình kéo dài suốt từ ngày 9/6 tới nay để phản đối dự luật dẫn độ người Hong Kong về Trung Quốc được đưa ra hồi đầu tháng Tư đã cho thấy nhiều điều về chế độ toàn trị cộng sản mà người Hong Kong, nhất là giới trẻ, ngày càng tỏ thái độ không thể chấp nhận.

  1. Người Hong Kong muốn tự do bằng cái mâm nhưng Trung Quốc chỉ cho họ cái chén. Câu này tôi mượn ý của một linh mục mô tả tình trạng ở Việt Nam nhưng nó cũng hoàn toàn hợp với hoàn cảnh hiện nay của người Hong Kong. Khi nhận lại Hong Kong từ Anh hồi năm 1997, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa sẽ giữ nguyên cách vận hành ở Hong Kong trong vòng 50 năm nhưng họ luôn tìm cách tước đi quyền tự do của người dân nơi đây. Từ chiếm quyền sở hữu báo chí tới bắt cóc những người xuất bản sách, tự do ngôn luận ở Hong Kong bị đe doạ nghiêm trọng. Về tư pháp, Bắc Kinh đã nêu cao tiêu chí các quan toà phải yêu nước thay vì đảm bảo việc thực thi công lý. Về cách quản trị, Trung Quốc từ chối cho người dân được bầu trực tiếp người lãnh đạo Hong Kong, điều đã dẫn tới cuộc biểu tình kéo dài 79 ngày hồi năm 2014.

  2. Lãnh đạo Trung Quốc luôn muốn hoạn bằng được các quyền tự do của người dân, nhất là các quyền chính trị. Thoả thuận ngầm giữa chính quyền Trung Quốc và người dân là dân có thể làm kinh tế nhưng không bao giờ được làm chính trị, dù đó là lập hội, biểu tình hay xuất bản. Trước các triều đình Trung Quốc có hoạn quan, giờ cả tỷ người Trung Quốc thành hoạn dân và người Hong Kong cũng đang trong tầm ngắm.

  3. Tự do ở Trung Quốc chỉ là sự đánh tráo khái niệm. Những cuộc xuống đường ở Hong Kong cho thấy điều mà vài triệu người dân ở đây vẫn có mà hơn một tỷ người ở đại lục lại không. Người Hong Kong có thể yêu cầu chính quyền cho họ biểu tình và nhiều người giờ cũng chẳng còn cần sự cho phép của cảnh sát nữa. Hong Kong cũng là nơi mà người ta có thể thoải mái lướt Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác thay vì phải trèo tường mới vào được như ở Trung Quốc. Ngay trước khi diễn ra cuộc biểu tình đầu tiên hôm 9/6, đông đảo người Hong Kong cũng tụ họp để ghi nhớ 30 năm biến cố Thiên An Môn, điều không thể xảy ra ở bất cứ đâu khác tại Trung Quốc.

  4. Các quan chức cộng sản Trung Quốc luôn có cách hành xử nước đôi. Trong khi họ không cho người dân trong nước biểu tình nhưng lại sẵn sàng xúi những người Trung Quốc ở nước ngoài như ở Anh, Australia hay Hoa Kỳ xuống đường để chạm trán với những người biểu tình ủng hộ Hong Kong ở các nơi này. Và một mặt họ cấm Facebook và Twitter ở Trung Quốc nhưng mặt khác lại tích cực dùng các mạng xã hội này để bôi xấu người biểu tình khiến hai mạng xã hội phải ra tay.

  5. Lãnh đạo Bắc Kinh chuyên nghề đổ lỗi. Cái gốc của những cuộc biểu tình trong mười tuần qua là chuyện Trung Quốc muốn dẫn độ người Hong Kong về đại lục để xét xử. Có lẽ bắt cóc mãi thấy cũng phiền nên giới lãnh đạo Trung Quốc muốn chính thức hoá việc này. Đây là nguồn cơn của sự phẫn nộ được thể hiện trên đường phố Hong Kong từ đầu tháng Sáu. Chẳng ai muốn bị biệt giam và bị tra tấn về tinh thần và thể xác khi mà người ta mới chỉ là đối tượng bị điều tra chứ chưa hề bị kết án. Và cũng không ai muốn bị một bản án theo chỉ thị miệng từ các quan chức cộng sản ngay cả khi họ có tội.

  6. Người thiểu số ở Trung Quốc chẳng có nghĩa lý gì. Dân số ở Hong Kong chưa tới tám triệu so với con số hơn 1,4 tỷ dân trên toàn Trung Quốc. Người thiểu số ở Tây Tạng, Tân Cương và cả Hong Kong đều không được làm người nếu họ dám thách thức sự cai trị của đa số người Hán ở Bắc Kinh.

  7. Lãnh đạo Trung Quốc cai trị bằng cách reo rắc nỗi sợ. Trong những ngày diễn ra biểu tình tại Hong Kong, Trung Quốc hết tập trận gần biên giới với Hong Kong lại đe doạ họ sẽ “không ngồi yên” nhìn những bất ổn ở Hong Kong. Dù lên án bạo lực từ phía người biểu tình nhưng họ im lặng trước bạo lực của cảnh sát Hong Kong, những người đã dùng hơi cay và đạn cao su ngay từ những ngày đầu của các cuộc biểu tình. Khi những người thân chính quyền đánh đập người biểu tình, Bắc Kinh cũng nhắm mắt làm ngơ. Nhưng người Hong Kong đã cho Bắc Kinh thấy họ muốn làm người chứ không muốn làm những con cừu đầy sợ hãi. Nhiều người trong số họ thậm chí cũng không coi mình là người Trung Quốc mà chỉ đơn giản là người Hong Kong. Họ thật dũng cảm và thức thời khi không đổi cái mâm tự do mà họ đòi lấy những chén cơm hẩm của Bắc Kinh.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG