Đường dẫn truy cập

Cải cách bầu cử làm lu mờ cuộc đấu tranh dân chủ ở Hong Kong


Hàng chục ngàn người đang đi tuần hành ở Hong Kong để bầy tỏ mối quan ngại về tiến bộ dân chủ kể từ khi thành phố được giao hoàn cho Trung Quốc cách đây 13 năm. Nhưng việc thông qua các cải cách bầu cử đã gây xáo trộn cho phong trào dân chủ đã có thời vững mạnh. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Heda Bayron gửi về bài tường thuật sau đây.

Các nhà lập pháp và những người hoạt động đòi dân chủ ở Hong Kong kêu gọi đoàn kết, một tuần sau khi đảng Dân Tiến góp phần thông qua các cải cách trong tiến trình chọn các nhà lập pháp và người lãnh đạo thành phố, còn được gọi là hành chánh trưởng quan.

Bà Audrey Eu, lãnh đạo đảng Công dân, kêu gọi tất cả những người hoạt động cho dân chủ hãy gạt qua những bất đồng và tham gia cuộc tuần hành ngày thứ năm, sau khi một số người gọi sự kiện đảng Dân Tiến ủng hộ các cải cách là một hành động phản bội.

Bà Eu cho biết: “Ngày 1 tháng 7 không thuộc về bất cứ chính đảng nào mà thuộc về người dân Hong Kong. Chúng ta phải biểu tình để cho Bắc Kinh, để cho chính phủ Trung Quốc thấy là chúng ta quyết tâm muốn có phổ thông đầu phiếu thực sự.”

Những người ủng hộ dân chủ lâu nay vẫn đòi bầu cử trực tiếp người lãnh đạo Hong Kong và toàn bộ viện lập pháp. Kể từ khi thành phố được Anh quốc giao hoàn cho Trung Quốc vào năm 1997, vị hành chánh trưởng quan vẫn được chọn bởi một nhóm 800 đại biểu phần lớn là thân Bắc Kinh, trong khi chỉ có một nửa viện lập pháp được bầu lên một cách trực tiếp.

Đã không đạt được tiến bộ nào về vấn đề này, mặc dầu phổ thông đầu phiếu được ghi trong bản tiểu hiến pháp của thành phố, và chính sách một quốc gia, hai hệ thống chi phối quan hệ của Hong Kong với Bắc Kinh.

Tuần trước, đảng Dân Tiến đã tách khỏi hàng ngũ các liên minh và bỏ phiếu ủng hộ một kế hoạch cải cách của chính phủ, theo đó số người có thể bỏ phiếu bầu hành chánh trưởng quan tăng thêm một nửa. Kế hoạch cũng thêm 10 nhà làm luật vào Hội đồng Lập pháp với 60 thành viên, và quy định đa số các nhà làm luật của Hong Kong sẽ do dân bầu lên lần đầu tiên trước năm 2012. Chính quyền nói những thay đổi này sẽ mở đường cho việc trực tiếp bầu ra vị hành chánh trưởng quan trước năm 2017 và toàn bộ các nhà làm luật trước năm 2020.

Nhà lập pháp Lee Cheuk-yan thuộc Liên minh các Công đoàn nói rằng thỏa hiệp này làm chia rẽ phong trào dân chủ.

Ông Lee nói: “Đương nhiên, người thắng là chính quyền trung ương. Họ đã thành công trong việc chia phiếu của chúng ta, và thực là đáng buồn. Chúng ta không tiến gần hơn được chút nào đến với phổ thông đầu phiếu thực sự.”

Bà Emily Lau, nữ phó chủ tịch đảng Dân Tiến, nói rằng đảng của bà vẫn đang tranh đấu cho phổ thông đầu phiếu.

Bà Lau cho biết: “Tôi nghĩ chúng tôi vẫn tin tưởng rằng nếu chúng tôi tiếp tục phục vụ cho lợi ích quần chúng ở Hong Kong thì chúng tôi sẽ tiếp tục được sự tín cẩn và tin cậy của nhiều người dân Hong Kong.”

Sự kiện đảng Dân Tiên và Bắc Kinh đứng cùng về một phía trong một vấn đề chính trị là điều chưa từng có từ trước đến nay, và một số nhà phân tích thời cuộc ở Hong Kong nói rằng có thể đó là khởi đầu cho một mối quan hệ thực tiễn.

Hành chánh trưởng quan Donald Tsang nói rằng việc thông qua các cải cách là một “bước quyết định đi theo đúng hướng”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG