Đường dẫn truy cập

Hơn 120 người được cứu sống trong vụ đắm tàu gần Australia


Di dân bất hợp pháp từ Sri Lanka tại một trạm cảnh sát ở Colombo, sau khi bị bắt gần bờ biển Negombo và Galle Face để chuẩn bị vượt biên sang Australia, ngày 28/5/2012
Di dân bất hợp pháp từ Sri Lanka tại một trạm cảnh sát ở Colombo, sau khi bị bắt gần bờ biển Negombo và Galle Face để chuẩn bị vượt biên sang Australia, ngày 28/5/2012
Hơn 120 người đã được cứu sống sau khi một chiếc tàu chở người tìm nơi tỵ nạn bị đắm trên đường đến Australia. Vụ đắm tàu này xảy ra chưa đầy 1 tuần sau khi một chiếc tàu khác bị lật ở phía bắc trong vùng lãnh hải Australia thuộc đảo Christmas ở Ấn Ðộ Dương khiến mấy chục người thiệt mạng. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.

Một tàu chiến của Australia và 2 thương thuyền đã vớt những người sống sót lên khỏi mặt nước. Không lực Úc cũng thả các bè cứu hộ vào lúc nhà chức trách đáp lại một lời kêu cứu từ chiếc tàu ở cách đảo Christmas 200 kilomét.

Người ta nghĩ rằng đa số hành khách trên tàu là những người tìm cách đi tỵ nạn từ Afghanistan, nhiều người là phụ nữ và trẻ em.

Đây là tai nạn mới nhất trong một loạt các trường hợp cấp cứu hàng hải khi những chiếc tàu ọp ẹp chở quá tải bị lật vì thủy thủ thiếu kinh nghiệm và tàu chở đầy người tìm cách đi tỵ nạn ở Australia. Tuần trước, khoảng 90 người đã thiệt mạng khi chiếc tàu chở họ bị lật ở phía nam đảo Java của Indonesia.

Thủ tướng Australia Julia Gillard nói đa số những người trên tàu đã được tìm thấy và dịch vụ cứu hộ của Úc đã nhanh chóng đáp ứng một cách can đảm.

Bà Gillard nói: “Australia một lần nữa đã được yêu cầu lãnh đạo một công tác cứu hộ và tìm kiếm quan trọng. Một lần nữa nhân viên nam nữ của Australia đã mau chóng thi hành công tác. Một lần nữa, chúng ta thừa nhận sự can trường của họ trong công tác này. Kính thưa bà phó chủ tịch quốc hội, trước các diễn biến này, và các diễn biến trong tuần trước, tôi muốn nói với quốc hội một cách rất chân thành rằng tôi tin đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng chia rẽ đảng phái về vấn đề này. Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều thảm kịch.”

Ða số các tàu chở người tìm cách xin tỵ nạn vào vùng hải phận phía bắc Australia đều xuất phát từ Indonesia, mặc dầu đã có một sự gia tăng trong các cố gắng đến từ Sri Lanka.

Mặc dầu số người đến tương đối nhỏ tính theo tiêu chuẩn quốc tế, những người xin tỵ nạn là một vấn đề chính trị nhậy cảm ở Australia, nơi các chính đảng lớn vẫn còn chưa biết giải quyết vấn đề này ra sao.

Cả hai bên trong chính trường Úc đều ủng hộ việc xúc tiến thủ tục nhận người tỵ nạn ở ngoài khơi, nhưng không đồng ý về việc thực hiện việc này ở đâu.

Năm ngoái Canberra đã đồng ý gửi 800 thuyền nhân đến Malaysia để đổi lấy 4 ngàn người đã được xác minh là tỵ nạn, trong cố gắng ngăn tránh các tổ chức đưa người lậu thực hiện hành trình nguy hiểm đến Australia.

Nhưng chính phủ thiểu số mong manh của bà Gillard đã không thông qua được dự luật bắt buộc tại Quốc hội mà không có sự ủng hộ của phe đối lập bảo thủ, là phe tán thành việc sử dụng một trại tỵ nạn ở ngoài khơi trên đảo Nauru thuộc Thái Bình Dương.

Australia cấp thị thực tỵ nạn cho 13.000 người mỗi năm theo nhiều thỏa thuận nhân đạo quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG