Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Siêu vi Chikungunya


Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Thính giả Hoa Tran ở bang Oregon, hỏi:

“Thưa Bác sĩ

Tin tức nói về dịch virút Zika do muỗi truyền nhiễm hồi gần đây ở Nam Mỹ còn nhắc đến virút “chikungunya”.

Tên virút hay bệnh này nghe rất lạ. Đó là virút gì, gây ra bệnh gì, có dễ chữa và dễ phòng tránh không?

Xin cảm ơn Bác sĩ."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Hỏi đáp Y học: Siêu vi Chikungunya
please wait

No media source currently available

0:00 0:11:35 0:00
Tải xuống

Bệnh Chikungunya do một siêu vi (virus) gây ra. Siêu vi Chikungunya được truyền qua do muỗi genus Aedes chích; 2 chủng loại: A. aegypti (có vằn trắng nên được gọi là muỗi vằn) hay A. albopictus (“Muỗi hổ Á Châu”, Asian Tiger Mosquito, muỗi có một sọc trắng trên lưng và sống dai qua đủ mọi điều kiện khắc nghiệt).

Tên Chikungunya này nghe lạ tai vì xuất phát từ chữ "kungunyala" có nghĩa là "làm cho cong, đi lom khom" trong ngôn ngữ Makonde (loại ngôn ngữ Bantu), thuộc cao nguyên Makonde, giữa Tanzania và Mozambique (Đông Nam Phi châu), nơi bịnh được phát hiện lần đầu tiên (1952).

Trước đây, Chikungunya phổ biến ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, các đảo Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương. Sau 1983, lan qua vùng các đảo Caribe và cho tới nay có chừng 1.7 triệu ca khắp lục địa Mỹ Châu. Do đó đa số người dân châu Mỹ chưa miễn nhiễm với Chikungunya và bệnh còn có thể lan tỏa thêm theo muỗi Hổ Á Châu. Giữa thập niên 1980, chuyến tàu chở các lốp xe cũ từ Bắc Châu Á qua Mỹ đem theo muỗi Hổ Á Châu vào nước Mỹ và lan tỏa ra nhiều vùng. Năm 1981, con muỗi này lại được nhập cảng vào California qua các cây kiểng phát tài.

Bệnh được xếp vào nhóm "arbovirus" (viết tắt của "arthropod born virus") vì được mang trong thân thể của các sinh vật chân có đốt (arthropod, thường là muỗi hay con tick [bọ chét])). Trong nhóm arbovirus đó có hơn 150 virus khác nhau, như Zika hiện đang gây một vấn đề y tế lớn ở châu Mỹ la-tinh, bệnh dengue gây sốt xuất huyết ở vùng Đông Nam Á mấy chục năm nay, bệnh viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis) khá phổ biến ở Việt Nam. Ở Mỹ chúng ta thỉnh thoảng nghe nói tới viêm não Saint Louis (St Louis encephalitis). Ở Nam Mỹ và Phi châu có Yellow Fever do muỗi truyền qua người cũng gây sốt và xuất huyết.

Triệu chứng

3-7 ngày sau khi bị muỗi Aedes có nhiễm siêu vi Chikungunya, đa số bệnh nhân sẽ có triệu chứng (khác với Zika, đa số không có triệu chứng): phần lớn là sốt cao (>39°C [102°F]) và đau nhiều khớp. Ngoài ra: nhức đầu, sưng khớp, đau bắp thịt (cơ), và có thể có mẩn đỏ (maculo-papular rash) ngoài da.
Phần đông không đe dọa tính mạng (tử vong chỉ xảy ra ở người già, khác với sốt xuất huyết do dengue nguy hiểm hơn) nhưng bệnh có thể nặng và làm suy yếu, khổ sở. Sau chừng 1-2 tuần, tự nhiên bệnh thuyên giảm và người bệnh thấy khỏe hơn nhưng triệu chứng đau khớp có thể kéo dài hằng tháng, đôi khi hàng năm. Nặng nhất là các em bé mới sinh (bị nhiễm trùng từ lúc trong bụng), người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường. Tuy nhiên chưa có trường hợp nào chứng tỏ siêu vi được truyền qua sữa mẹ, cho nên hiện nay CDC vẫn khuyên người mẹ cho con bú dù bị nhiễm Chikungunya.

Triệu chứng có thể giống như triệu chứng của Dengue hay Zika. Hiếm: viêm mắt, viêm gan, viêm não, viêm dây thần kinh, liệt thần kinh mặt.

Triệu chứng cận lâm sàng: Giảm bạch cầu lympho; tiểu bản máu (platelets) có thể giảm, cơ năng gan có thể bất bình thường.

Bác sĩ xác nhận nhiễm Chikungunya bằng cách thử máu, nước tủy sống để truy tầm RNA của virus hay xem kháng thể (antibodies) người bệnh chống virus loại nào.

Sau cơn bệnh, thường người bệnh có kháng thể và được miễn nhiễm với siêu vi Chikungunya. Tuy nhiên, sau khi vừa bị nhiễm, nên tránh để muỗi đốt để giảm thiểu lan truyền cho người khác qua muỗi.

Trị liệu: Hiện nay chỉ chữa theo triệu chứng, phần lớn là giảm sốt và giảm đau, giảm viêm bằng acetaminophen hay các loại NSAIDS (giảm viêm không phải là steroids) như ibuprofen.

Phòng ngừa: Tránh muỗi đốt và chống, diệt muỗi.
● Mặc áo quần kín ít hở da, dùng thuốc thoa chống muỗi (insect repellents containing DEET, picaridin, and IR3535), ở phòng điều hòa không khí hay có lưới ở cửa.
● Treo mùng có tẩm thuốc giết muỗi lúc ngủ (insecticide -treated mosquito net).
● Dùng một số áo quần, nón có tẩm thuốc permethrin chống muỗi (permethrin-treated clothing and gears).
● Dọn dẹp những vùng chung quanh nhà và trong nhà, những vũng nước, chai lọ, thùng, hồ bơi nhỏ ứ đọng nước có thể là nơi muỗi sinh sản.
● 2/3 người Mỹ sống trong vùng có muỗi Aedes aegypti hay albopictus là giống có thể truyền bệnh. Biện pháp này cũng giúp ngừa các bệnh khác do muỗi truyền như Zika, West Nile virus (Culex mosquitoes), St Louis encephalitis virus, Dengue virus.

Hiện chưa có thuốc chủng ngừa cho Chikungunya.

Chúc quý vị thính giả may mắn.

-------------------------------------

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG