Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Chứng 'nóng bao tử' và thuốc omeprazole


Thính giả Trúc Bùi hỏi như sau:

“Thưa Bác sĩ,

Tôi bị chứng nóng bao tử.

Bác sĩ chẩn đoán tôi bị thừa axít, cho toa omeprazole. Tôi đã uống thuốc này 8 tháng. Hiện giờ vẫn còn nóng bao tử, và lại thêm tay chân dường như muốn co rút.

Xin hỏi Bác sĩ tay chân co rút có phải là phản ứng phụ của omeprazol không, và xin Bác sĩ cho ý kiến cách điều trị bệnh tình của tôi.

Xin cảm ơn Bác sĩ"

please wait

No media source currently available

0:00 0:19:41 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

"Nóng bao tử" (dạ dày), hay khó chịu, xót bao tử chỉ là một kết luận lâm sàng không chính xác lắm. Thường chúng ta chia phần bụng thành bốn phần, trong tiếng Anh gọi là quadrant (phần tư): bên trái trên (Left Upper Quadrant, LUQ ), dưới (Left Lower Quadrant, LLQ) và bên phải trên (RUQ), dưới (RLQ). Thường nếu chúng ta thấy đau, xót, nóng, rát, khó chịu bên phần tư trên bên trái, chúng ta nghi nguyên nhân ở bao tử, tuy nhiên, bao tử thường gây triệu chứng ở thượng vị (epigastrium)(phần dưới xương ức/sternum), hay có thể làm cho chúng ta thấy đau phía sau lưng (trường hợp này, gọi là "đau chuyển dịch", "referred pain", bộ phận gây ra nằm nơi này nhưng cảm giác đau lại ở chỗ khác, do tổ chức các dây thần kinh phụ trách cảm nhận hiện tượng đau đó). Ngược lại, "nóng" hay khó chịu vùng bao tử cũng có thể do nguyên nhân ngoài bao tử.

Một trong những triệu chứng có thể gây nhầm lẫn định bệnh quan trọng là tưởng lầm đau bao tử trong lúc bệnh nhân bị cơn đau tim (heart attack).

Từ "thừa axít"(hyperchlorhydria: quá nhiều acid chloridric, HCl) nay ít được dùng trong y khoa Mỹ, và thường người ta dùng từ "dyspepsia" (ICD 536.8), cũng là một từ chung chung để mô tả bệnh "khó tiêu"(dys=khó khăn, pepsia tiêu hoá). Sau khi khám bệnh và xét nghiệm nếu cần bác sĩ sẽ đi đến kết luận chẩn đoán chính xác hơn. Hai bệnh thường gặp là viêm hay loét bao tử (gastritis and gastric ulcer) hay đầu ruột non (duodenum) do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra và tràn dịch bao tử lên thực quản (gastroesophageal reflux disease, GERD).

Trào ngược thực quản và nhiễm Helicobacter pylori (H. pylori) là hai bệnh khác nhau, mặc dù cùng có thể xảy ra trong bao tử, và tác động qua lại với nhau.

Bệnh trào ngược từ bao tử lên thực quản (gastroesophageal reflux disease, GERD) là do chất dịch tiết trong bao tử, có tánh acid, đi ngược lên trên thực quản, gây ra triệu chứng như rát, đau, buốt trong lồng ngực (heartburn), ợ chua do thức ăn chạy ngược đến miệng (regurgitation). Do acid rất mạnh tấn công lên trên niêm mạc lót trong thực quản, thực quản có thể bị viêm mãn tính (reflux esophagitis), làm thẹo, làm thay đổi các tế bào thực quản (dị sản, metaplasia) và có thể về lâu dài gây ra ung thư (esophageal adenocarcinoma). Acid đi ngược đến thanh quản, khí quản, cuống phổi, cũng có thể gây ra những triệu chứng như ho mãn tính, khan tiếng, viêm thanh quản, đau họng mãn tính (chronic laryngitis), suyễn; những triệu chứng này có thể làm bác sĩ định bệnh sai lạc và chữa trị không hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh trào dịch không tỷ lệ thuận với triệu chứng, có nghĩa là có thể trào dịch nhẹ mà triệu chứng nặng, và ngược lại.

Bệnh GERD tùy theo nhiều yếu tố như tình trạng co thắt của cơ tròn giữa thực quản và bao tử (gastroesophageal sphincter), khả năng thực quản dùng nhu động để đẩy dịch bao tử xuống, khả năng tiết nước miếng để trung hoà acid trong thực quản, khả năng bao tử sản xuất ra acid, khả năng đẩy thức ăn qua ruột nhanh hay chậm, cho nên chữa thuốc có thể thành công nhiều hoặc ít, tái lại hay không.

Thường bác sĩ khuyên thay đổi nếp sống như:
1. Tránh đồ ăn chua (chanh, thơm/dứa), ăn lượng thức ăn ít hơn (để bao tử đừng quá căng), những thức gây trào dịch: mỡ, chocolate, peppermint, rượu, hút thuốc lá.
2. Không ăn uống 3 giờ trước khi đi ngủ.
3. Kê đầu giường lên cao 15 cm để thức ăn trong bao tử khó đi ngược lại.
4. Cố gắng sụt cân nếu quá mập.
5. Uống thuốc chống acit như Maalox, Calcium carbonate (Tums).

Omeprazole, thuốc mà vị thính giả uống, phần chính là có tác dụng giảm chất acit trong bao tử bằng cách ức chế các tế bào sản xuất acid HCl (proton pump inhibitor), do đó làm giảm các triệu chứng khó chịu do axit gây ra.

Chỉ định chính của dùng omeprazole:

a) Ngắn hạn (4-8 tuần)
i. Để chữa bệnh tràn dịch bao tử-thực quản,
ii. Viêm loét thực quản,
iii. Và chữa bệnh loét bao tử hay loét đầu ruột non do H. pylori, kết hợp với 2 - 3 thuốc khác như amoxicillin, clarithromycin, Pepto Bismol.

b) Dài hạn: trong những trường hợp đặc biệt, hiếm do một điều kiện được định bệnh rõ rệt: như hội chứng Zollinger-Ellison trong đó bướu gastrinoma trong tuỳ tạng (pancreas) hay trong bao tử, ruột sản xuất chất gastrin kích thích các tế bào sản xuất quá nhiều acid trong bao tử, làm loét bao tử, thực quản, ruột non.

Tràn dịch bao tử lên thực quản (GERD): Với liều thấp trong 2-4 tuần (ví dụ omeprazole [Prilosec] có bán tự do không cần toa, 20mg/ ngày 30 phút trước bữa ăn), chừng 80% bệnh nhân sẽ giảm triệu chứng nhiều hoặc hết hẳn. Tuy nhiên, 20% còn lại cần liều cao hơn (ví dụ omeprazole 20mg x 2 lần/ ngày), một số ít cần uống thuốc giảm acid liên tục hoặc từng đợt 2-4 tuần rồi nghỉ và uống lại khi cần. Một số trường hợp không đáp ứng với thuốc uống cần được bác sĩ đường ruột theo dõi, nội soi nếu cần. Triệu chứng có thể do một chứng bệnh khác nhưng không phải do tràn dịch, hoặc do cơn đau trở thành một biểu hiệu của bệnh tâm lý (nội soi không thấy dấu hiệu trào dịch, đo acid liên tục (ambulatory pH monitoring) trong thực quản >bình thường).

Tương quan giữa H. pylori và bệnh trào dịch thực quản phức tạp, chưa được hiểu. Một mặt, H. pylori gây viêm bao tử ở fundus làm các tế bào sản xuất acid teo lại, làm giảm triệu chứng trào dịch thực quản. Trong một số khảo cứu, người ta thấy sau khi trị dứt H. pylori, triệu chứng trào dịch nặng thêm. Tuy nhiên H. pylori gây ra viêm bao tử (gastritis) và có thể dẫn đến ung thư bao tử. 60-90% ung thư bao tử do H. pylori gây ra. Đa số bs đồng ý là phải chữa diệt trừ H. pylori nếu bệnh nhân phải uống thuốc proton inhibitor lâu dài.

Về chứng co rút tay chân, tuỳ theo "co rút" như thế nào mới có thể bàn đến nguyên nhân. Trên lý thuyết, dùng omeprazole lâu có thể làm mức magnesium, calcium, kali, đường trong máu giảm xuống, làm đau nhức bắp thịt, bắp thịt co rút ("cramps"), yếu, tê tay chân.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

--------------------------------------

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức,

• vào giờ phát thanh trực tiếp từ 10 giờ đến 11 giờ tối thứ Ba, giờ Việt Nam, xin gọi đến số điện thoại ở Mỹ là (202) 619-3774;

• ngoài giờ phát thanh ngày thứ Ba, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG