Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Bệnh da liễu lạ tại Quảng Ngãi


Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Kính thưa bác sĩ,

Nhiều thính giả và độc giả của đài VOA quan tâm đến tin tức y tế trong mấy ngày qua về một “bệnh da liễu lạ” gây tử vong cho một bệnh nhân tên Đinh Văn Thập, 17 tuổi, ở Quảng Ngãi, “nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân” đã tử vong ngày 11 tháng 3.

Xin Bác sĩ giải thích rõ hơn về bệnh da liễu lạ này; những khu vực nào có bệnh này, và cách phòng ngừa và chữa trị.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải thích:
please wait

No media source currently available

0:00 0:16:42 0:00
Tải xuống

Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân
(Inflammatory Palmoplantar Hyperkeratosis (IPPH) Syndrome.

Tôi xin nói về bệnh "lạ" này, mới được phát hiện ở Quảng Ngãi, nhưng chưa được hiểu rõ, với tư cách là một người ở bên ngoài tìm hiểu bệnh căn cứ trên một số tin tức từ trong nước mà thôi.

Bệnh này xuất hiện vào tháng 4 năm 2011 tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. Quận Ba Tơ nằm phía tây-tây nam tỉnh Quảng Ngãi, giáp ranh với Kontum. Chừng 100.000 ngàn người dân tộc thiểu số Hrê chiếm chừng 80- 90% dân số trong quận Ba Tơ cũng như quận Sơn Hà bên cạnh, nơi xảy ra những ca mới đây sau nhiều tháng không thấy xuất hiện ca bệnh mới. Người Hrê sống nhờ trồng lúa nước trên sườn núi và lúa rẫy. "Ruộng được ngâm nước, đất mềm chỉ bừa mà không cần cày. Gốc rạ bị bừa giập vùi xuống bùn để mục làm tăng độ phì cho đất. Đồng bào bón phân chuồng vào đất trước khi cấy sạ và chăm sóc lúa bằng các loại phân hóa học cùng với các loại thuốc trừ sâu. Đặc biệt, khi cây lúa lên người ta không tát nước vào ruộng mà chỉ đưa nước vào theo hệ thống mương dẫn từ đám ruộng trên cao xuống dưới thấp. Lúa chín thu hoạch bằng liềm. Người ta cắt lấy bông lúa, bó thành cụm rồi chuyển đến nhà ruộng dựng tại cánh đồng. Sau đó, lúa được vò bằng chân, hoặc dùng máy suốt đạp chân để tuốt lúa."(1)

Đợt đầu có 166 người mắc bệnh và 19 người chết tính đến cuối tháng 4-2011. Đài Radio Free Asia đăng hình bàn tay một em bé, da bị sưng lên như phỏng và đỏ, kèm theo hình một bàn chân người lớn với da dày, bạc trắng và nẻ. “Triệu chứng bệnh là lòng bàn tay bàn chân, các đầu kẽ ngón chân của bệnh nhân bị khô da, dày sừng. Một số người có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn, bị sốt và bị tê bàn tay bàn chân. Ở dạng nặng hơn, người bệnh có biểu hiện tổn thương gan hoặc có thể có các biến chứng như viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.”(2)

Tháng 4 năm 2012, chương trình cảnh báo các bệnh mới xuất hiện ProMed báo cáo về bệnh da lạ ở Việt nam, gồm tay chân cứng nhắc, những lở lói ngoài da, các triệu chứng hô hấp, các trường hợp bị hư thai và cả những triệu chứng về mắt.

Lúc đó những giả thuyết được đưa ra gồm có:

-Nhiễm độc do môi trường sống, kể cả dioxin (chất da cam/agent orange ) có thể có trong môi trường, nhiễm độc do thuốc xịt trừ cỏ, vì người ta nhận thấy một số bệnh nhân bị bệnh này sau khi xịt thuốc diệt cỏ ở các nương sắn (khoai mì).

- Nhiễm độc do thức ăn: người ta nghi rằng, cách bảo quản và tiêu thụ gạo ủ, mốc của dân địa phương, có thể nhiễm chất độc chưa xác định được. Người ta cũng nghi một quả sả rừng.

Bệnh này trong y văn hiện nay được mô tả như là "hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân."

● Hội chứng= nhiểu triệu chứng đi cùng nhau: da, suy gan, giảm miễn nhiễm.

● Viêm= 'sưng' da (inflammation). Không có bằng chứng gì cho thấy liên hệ đến bệnh truyền qua đường tính dục, cho nên theo tôi nghĩ, nên gọi đây là bệnh [viêm] da (skin disease), chứ không nên gọi bệnh này là da liễu (‘venereal’ skin disease ) để tránh hiểu theo nghĩa không tốt.

● “Dày sừng”: hyperkeratosis. Da là bộ phận nặng ký nhất cơ thể, bao bọc bảo vệ cho các tế bào ở trong chúng ta. Lớp bên ngoài nhất của da, lớp "sừng"(keratin, tương tự như thành phần keratin trong sừng thú vật) (lớp "sừng"=stratum corneum) là một lớp mỏng gồm những tế bào chết, không có nhân, gọi là tế bào sừng (corneocytes), được đào thải lúc chúng ta kỳ cọ và liên tục thay bằng tế bào sừng mới. Các tế bào này giúp da không thấm nước từ ngoài vào, giữ nước phía trong không bốc hơi làm cơ thể không bị mất nước, che chở không bị nhiễm trùng.Trong một số bệnh (thường là di truyền), lớp tế bào sừng này quá dày, cơ năng không bình thường, da dễ nứt nẻ, lở loét, nhiễm trùng.Tình trạng này gọi là hyperkeratosis= [quá] dày [lớp ] sừng.

● Bàn tay:lòng bàn tay (palm); bàn chân :lòng bàn chân (plantar [surface of the foot]; sole)

Hai buổi hội thảo chuyên đề về bệnh này đã được bộ y tế VN tổ chức trong năm 2012 để phối hợp các biện pháp đối phó. Bộ Y tế Việt nam cho biết đầu tháng 6-2012 hai chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát bệnh của Hoa Kỳ (CDC) đã cọng tác với Việt nam.

Ngày 28 tháng 6 năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nôi ra thông cáo báo chí về hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân tại năm xã của huyện Ba Tơ, gồm có 216 ca bệnh, trong đó 12 người chết.

• Cho đến thời điểm hiện tại, kết quả điều tra cho thấy hội chứng viên da dày sừng bàn tay, bàn chân chưa có bằng chứng do nguyên nhân nhiễm trùng.

• Một số bệnh nhân đã ăn gạo thu hoạch từ các vụ mùa trước;

• Nhiều bệnh nhân mắc hội chứng viêm da sừng bàn tay, bàn chân bị suy dinh dưỡng;

• Chất aflatoxins được tìm thấy trong một số mẫu gạo; [Aflatoxin là một độc tố mạnh do nấm Apergillus sản xuất, nấm này có thể mọc trên cây lúa, hạt lúa,rơm rạ nhất là nơi ẩm ướt và nóng nực. Aflatoxin được chuyển hoá qua gan và rất độc cho gan.Có thể gây suy gan,gan nhiễm mỡ, ung thư gan, suy giảm hệ miễn nhiễm. Tác dụng độc có thể nguy hiểm hơn đối với trẻ em, những người thiếu vitamin, ít ăn rau cải tươi (như cà rốt, celery..).]

• Đa số bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân có tổn thương gan;

• Không có bằng chứng kim loại nặng hay hóa chất nông nghiệp có hàm lượng cao trong các mẫu phẩm ở người và môi trường;

Các biện pháp dự phòng bao gồm:

● Cung cấp gạo và hướng dẫn người dân cách bảo quản, cung cấp vitamin và các chất dinh dưỡng cho người dân huyện Ba Tơ,

● Thực hiện vệ sinh môi trường,

● Diệt vector truyền bệnh cho tất cả các hộ gia đình,

● Xử lý nguồn nước sinh hoạt, sử dụng cho người dân và

● Tăng cường truyền thông để vận động mọi người thực hiện vệ sinh cá nhân và đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng bệnh.(3)

Tháng 2 năm 2013, theo bộ Y tế Việt Nam, bệnh xuất hiện trở lại ở huyện Sơn Hà với biểu hiện dày sừng (hyperkeratosis), tổn thương da, nhưng không có hiện tượng men gan tăng (elevation of liver enzymes). Những mẫu gạo ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ được xét nghiệm ở Hongkong trước đây chứa một số loại nấm độc trong gạo, nhưng "cụ thể là loại nấm gì, tác nhân gây bệnh như thế nào" thì chưa trả lời được.Không thấy nói đến có phát hiện được aflatoxin trong các mẫu lấy từ bệnh nhân hay không.

Bệnh nhân tử vong mới nhất (tháng 3-2013) 17 tuổi, người huyện Sơn Hà, bị cho là chết do nhiễm trùng máu sau khi mắc bệnh lạ ở da.

Cho đến lúc này đã có tổng cộng 215 người ở tỉnh Quảng Ngãi bị mắc bệnh này, trong đó có 23 người tử vong.(4)

(1) (http://www.quangngai.gov.vn/userfiles/file/dudiachiquangngai/phani/CHUONG_VI/PI-CVI.htm)
(2) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/local-people-panic-about-unknown-disease-04302012162309.html
(3) http://www.wpro.who.int/vietnam/mediacentre/releases/2012/MediastatementIPPH28June2012/en/index.html
(4) http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/mystery-skin-disease-infects-17-kill-1-in-central-vietnam-03122013120740.html


Xin chúc quí vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền

---------------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG