Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Bệnh co thắt cơ nửa mặt (Hemifacial Spasm)


Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Thính giả Nguyễn Nhung, ở Việt Nam, hỏi:

“Kính thưa Bác sĩ,

Mẹ cháu năm nay 57 tuổi, ở Việt Nam.

Mẹ cháu bị bệnh mắt trái giật nhiều, khi mắt giật thì miệng cũng bị méo theo đã gần 2 năm, mà vẫn chưa khỏi.

Mẹ cháu có đi nhiều bệnh viện khám và các bác sĩ chẩn đoán là bị dây thần kinh số 7. Khi uống thuốc bác sĩ kê toa, 1 tháng đầu thì mắt giảm giật được khoảng một nửa, nhưng khi hết thuốc thì lại bị giật nhiều như trước.

Mẹ cháu cũng có đi châm cứu nhưng vẫn không thấy đỡ.

Xin nhờ bác sĩ chỉ giúp mẹ cháu nên uống thuốc gì và nên làm gì.

(Toa thuốc của bác sĩ đã kê cho mẹ cháu uống trong 5 tháng vừa qua:
1. EGOPIREL V-75mg (CLOPIDOGREL)
2. BEESMATIN V25MG (LEVOSULPIRIDE)
3. DONATRYL VKEPROXCO
4. YURAF V-37.5/325mg (PARACETAMOL + TRAMADOL)
5. HALOFAR V2mg (HALOPERIDOL)
6. TRIHEXY PHENIDYL V2mg Pharmedic + (TRIHEXYPHENIDYL))

Cháu xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

please wait

No media source currently available

0:00 0:16:20 0:00
Tải xuống

Các cử động các cơ trên mặt chúng ta phụ trách biểu lộ các nét mặt khác nhau (cười, nhăn mặt, hút gió) được điều khiển do dây thần kinh mặt (thần kinh sọ số 7, TK7), một dây TK7 bên phải và một dây bên trái. Dây thần kinh số 7 phần lớn phụ trách vận động. Dây thần kinh này đem mệnh lệnh từ não bộ đi ra khỏi cuống não (brainstem), thoát ra khỏi hộp xương sọ dưới tai, đi về hướng phía trước và chia thành 5 nhánh thần kinh đến các cơ liên hệ: cơ làm cho lông mày nhúc nhích, nhắm mắt, cử động các cơ chung quanh miệng. Nói chung là các cơ phụ trách biểu hiện trên khuôn mặt (facial expression).

Trong một số trường hợp hiếm, do thần kinh số 7 làm việc bất bình thường, nó có thể phát ra những tín hiệu làm cho các cơ mặt trong vùng nó kiểm soát co giật ngoài ý muốn (“misfire”). Lúc đầu có thể (trong 92% trường hợp) chỉ co giật vùng chung quanh mắt, sau đó có thể lan ra toàn mặt. Thiểu số còn lại lan chiều ngược, từ dưới cằm lan lên phía mắt. Thường chỉ xảy ra một bên, cho nên từ y học gọi là co thắt nửa mặt (hemifacial spasm/ HFS), tuy hiếm hơn nữa có người bị cả hai bên trái và phải, do cả hai thần kinh số 7 đều bị bệnh.

Dịch học:
• Bệnh này hiếm (8/100,000 người ở Mỹ)
• Thường người tuổi 40-60
• Phụ nữ nhiều hơn nam giới

Triệu chứng:
• Triệu chứng duy nhất là một bên nửa mặt có những cử động không kiểm soát được; cử động như co giật liên hồi (clonus), có thể nảy sinh lúc bệnh nhân mệt mỏi, lo âu, hay đọc sách báo. Một số người bị liệt thần kinh số 7 do chấn thương hay bệnh liệt Bell (Bell Palsy rồi sau đó bị co giật nửa bên mặt.)
• Có thể nghe những âm thanh bất bình thường trong tai.
• Có thể yếu nửa mặt.

Định bệnh:
Thường bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám để phân biệt với những bệnh khác có thể gây ra những cử động bất bình thường trên mặt.
Chẩn đoán bằng hình ảnh quan trọng nhất là dùng cộng hưởng từ trường (MRI) để nghiên cứu tình trạng của dây thần kinh số 7, xem TK7 có bị chèn ép bởi một mạch máu ở vị trí bất bình thường (vascular compression by an aberrant branch of the inferior cerebellar artery or the vertebral artery), hay một u bướu nào đè lên trên dây thần kinh (mass compression), hay một hư hại trong não bộ nơi thần kinh 7 xuất phát (vd: stroke, multiple sclerosis).

Chữa trị:

1) Đối với trường hợp dây thần kinh số 7 không bị chèn ép, đè nén và triệu chứng còn nhẹ, giới hạn:
● Dùng thuốc uống, loại thuốc chống co giật như carbamazepine (Tegretol), gabapentin;
● Thuốc an thần loại benzodiazepine như clonazepam (Klonopin);
● Thuốc làm cơ giãn (muscle relaxant, antispasmodic) như baclofen (Lioresal);
● Thuốc có thể làm phản ứng chậm, mệt mỏi; tuỳ thuộc vào thuốc (drug dependence); không được uống rượu trong lúc uống thuốc baclofen;
● Không ngưng thuốc đột ngột;
● Haloperidol.

2) Giải phẫu [1,2,4]:
● Giải quyết những chỗ dây thần kinh số 7 bị đè, chèn ép do mạch máu (microvascular decompression).
● Bác sĩ khoan một lỗ vào xương sọ, đến chỗ TK7 chui ra từ cuống não, nhét một miếng teflon vào giữa mạch máu đang đè lên TK7 để TK7 không bị áp lực nữa.
● Khỏi hẳn hoặc thấy giảm bớt triệu chứng trong 80-90%; một số ít có thể triệu chứng trở lại.
● Giải phẫu có thể phức tạp, người mổ phải có chuyên môn cao về giải phẫu thần kinh; tốn kém.
● Biến chứng: mất thính giác, tổn thương tiểu não, rò rỉ nước tuỷ sống (tổng cộng dưới 5%).(Theo Tan.[4])

3) Giải pháp hiện nay được ưa chuộng: chích độc tố botulinum vào các bắp thịt ở mặt với hướng dẫn bằng máy đo điện các cơ (botox injection with electromyographic guidance) [3,4].

Biến chứng có thể xảy ra: Sụp mí mắt, méo mặt, yếu cơ mặt, thường chỉ tạm thời.

Chích botulinum A toxin (vd Botox) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Thuốc do một con vi khuẩn sản xuất, chích vào cơ liên hệ làm gián đoạn truyền dẫn thần kinh từ dây thần kinh qua cơ và làm cho cơ tê liệt. Cơ chế: sự phóng thích của acetylcholine nhờ trung gian của Calci vào khớp nối liền giữa các dây thần kinh bị ức chế. (Botox inhibits the calcium‐mediated release of the acetylcholine into synaptic junction [4]). Thông thường dùng với mục đích thẩm mỹ, xoá các vết nhăn trên mặt. Trong trường hợp này các cơ (bắp thịt ) ở mặt không giật nữa. Sau 3-5 ngày, bệnh nhân cảm thấy thuyên giảm. Thuốc tác dụng được 3- 6 tháng thì hết tác dụng, thường vài tháng phải chích lại ngăn chặn co giật tái xuất hiện. Kết quả tốt trong 75-100% trường hợp [4]. Trong trường hợp hiếm, sau nhiều năm dùng thuốc có thể thuốc sẽ giảm hiệu nghiệm do cơ thể sinh ra kháng thể chống lại thuốc (immunoresistance) [4].

Xin nhắc lại tất cả các nhận xét trên chỉ có tính cách thông tin tổng quát. Bệnh nhân cần được bác sĩ riêng khám cho mình và có quyết định cần thiết.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Nguồn tham khảo/References:
1) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8692385
2) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2711230/
3) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11096764
4) Tan N. C., Chan L.L. Tan E. K. Hemifacial spasm and involuntary facial movement
http://qjmed.oxfordjournals.org/content/95/8/493

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

--------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG