Đường dẫn truy cập

Mỹ, các cường quốc thế giới bàn về khủng hoảng tị nạn


Làn sóng người tị nạn tiếp tục tràn vào Châu Âu.
Làn sóng người tị nạn tiếp tục tràn vào Châu Âu.

Số phận của những người tị nạn đang đổ vào Châu Âu là một trong các đề tài chính mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ bàn thảo tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Theo tường thuật của thông tín viên Pam Dockins của đài VOA, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon sẽ chủ toạ một cuộc họp cấp cao vào tuần sau để bàn về vụ khủng hoảng này.

Trong lúc những người tị nạn tiếp tục tràn vào Châu Âu, Hoa Kỳ và các cường quốc thế giới khác đang tìm kiếm thêm những sự lựa chọn để góp phần giải quyết vụ khủng hoảng nhân đạo mỗi ngày một nghiêm trọng này.

Vấn đề này sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận của Liên Hiệp Quốc khi hơn 150 vị tổng thống và thủ tướng đến dự phiên họp của Đại hội đồng.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của khối G-7, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về người tị nạn và những vấn đề nhân đạo vào thứ ba tuần sau.
Bà Anne Richard, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân số, Tị nạn và Di dân, cho biết như sau.

Bà Richard nói: "Tôi biết là nhiều chính phủ muốn giúp đỡ trong việc vận động để quyên góp thêm ngân quỹ từ các nước khác, và mời gọi những chính phủ chưa tích cực về các vấn đề nhân đạo nắm giữ một vai trò lớn hơn".

Bà Anne Richard, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân số, Tị nạn và Di dân.
Bà Anne Richard, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân số, Tị nạn và Di dân.

Hồi đầu tuần này, các vị bộ trưởng nội vụ của Liên hiệp Châu Âu đã chấp thuận một kế hoạch quota để phân bổ 120.000 người tị nạn tại 28 nước thành viên.

Liên hiệp Châu Âu cũng cam kết hơn 1 tỉ đô la để giúp cho những người Syria đang tạm trú ở các nước láng giềng.

Hoa Kỳ cũng cung cấp thêm viện trợ nhân đạo và đã đặt chỉ tiêu nới rộng mức trần của số người tị nạn được tiếp nhận lên tới 85.000 người vào năm tới, trong đó có ít nhất 10.000 người đến từ Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: "Chúng tôi đang làm những gì mà chúng tôi có thể xử trí ngay tức khắc, những gì mà chúng tôi cảm thấy chúng tôi có thể làm trong phạm vi của hệ thống mà chúng tôi đang có và bên trong những thách thức mà chúng tôi đang đối mặt về vấn đề ngân sách.

Ông Bill Frelick, một viên chức của Human Rights Watch, nói với đài VOA rằng cam kết của Mỹ không đủ mạnh.

Ông Frelick nói: "Tôi nghĩ rằng đó là một sự gia tăng lẽ ra đã được thực hiện từ lâu. Bởi vì năm ngoái chỉ có hơn 100 người Syria tị nạn được tái định cư ở Mỹ.

Một số người cho rằng mặc dù Hoa Kỳ có lẽ cần phải gia tăng những nỗ lực của mình, nhưng nên có thêm những sự trợ giúp của những nước mà cho tới nay vẫn còn ngồi bên lề của vụ khủng hoảng người tị nạn".

Ông Matteo Garavoglia, một nhà nghiên cứu của Viện Brookings ở Washington, nhận định: "Chúng ta có thể nghĩ tới những nước khác có thể nhận người tị nạn với một số lượng đông đảo hơn. Tôi nghĩ tới Canada. Tôi nghĩ tới Australia".

Các nhà phân tích cho rằng làn sóng người tị nạn đổ vào Châu Âu là một hồi chuông cảnh tỉnh để các cường quốc Châu Âu giúp đỡ thêm cho các nước Trung Đông đang khốn đốn vì gánh nặng của vụ khủng hoảng người tị nạn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG