Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ tăng cường chế tài Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar


Tướng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar ở Naypyitaw, ngày 28/10/2019.
Tướng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar ở Naypyitaw, ngày 28/10/2019.

Hoa Kỳ ngày 10/12 siết chặt chế tài hơn nữa đối với Tổng tư lệnh quân đội Myanmar về những vụ tàn sát tập thể người Rohingya vào lúc nước ông đang phải tự biện hộ chống lại những cáo buộc diệt chủng trước tòa án cấp cao của Liên hiệp quốc.

Vào tháng 7 năm nay, Hoa Kỳ cấm Tướng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing không được đi thăm nước Mỹ, nhưng động thái ngày 10/12 đi xa hơn nữa bằng cách phong tỏa bất cứ tài sản nào của ông này tại Mỹ và hình sự hóa những giao dịch tài chánh của bất cứ người nào tại Mỹ đối với tướng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar.

Bộ Tài chánh Mỹ áp đặt những chế tài tương tự đối với 3 chỉ huy cao cấp khác của Myanmar, cũng như 14 cá nhân thuộc các nước khác nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12.

Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin nói “Hoa Kỳ sẽ không dung thứ việc tra tấn, bắt cóc, bạo động tình dục, giết hại hay hành xử tàn bạo đối với thường dân vô tội.”

Ông Mnuchin nói tiếp “Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới trong việc chống lại vi phạm nhân quyền và chúng tôi qui tránh nhiệm cho các thủ phạm bất cứ họ hoạt động ở đâu.”

Quân đội Myanmar bị cáo buộc lãnh đạo một chiến dịch tàn bạo vào năm 2017 tại bang Rakhine chống lại người Rohingya, một sắc dân thiểu số phần lớn theo Hồi Giáo mà quốc gia đa số theo Phật giáo không xem những người này là công dân.

Có khoảng 740.000 người Rohingya trốn sang nước láng giềng Bangladesh sau khi bị quân đội Myanmar đàn áp đẫm máu vào năm 2017 mà các nhà điều tra Liên hiệp quốc đã mô tả là diệt chủng.

Hoa Kỳ cho biết đã có những “báo cáo đáng tin cậy” về những vụ hiếp dâm tràn lan và những vụ bạo động tình dục khác do các binh sĩ dưới quyền chỉ huy của Tướng Min Aung Hlaing gây ra.

Hành động mới nhất của Hoa Kỳ diễn ra vào lúc Myanmar tự biện hộ trước Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague về những cáo buộc là nước này vi phạm công ước về diệt chủng năm 1948.

Lãnh tụ dân sự Myanmar, Aung San Suu Kyi, khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình, hiện đang lãnh đạo việc biện hộ trong vụ kiện do Gambia, một quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo khởi xướng.

Hoa Kỳ cũng có hành động chống lại một tổ chức dân quân nổi tiếng của nước Cộng hòa Dân chủ Congo là Liên minh các Lực lượng Dân chủ, bị cáo buộc tàn sát thường dân trong nỗ lực ngăn họ gia nhập quân đội.

Bộ Tài chánh Mỹ áp đặt chế tài lên lãnh tụ của tổ chức là Musa Baluku, cũng như 5 người khác bị cáo buộc ủng hộ tổ chức này.

Hoa Kỳ cũng áp đặt chế tài lên 5 người khác về tội bạo hành tại Nam Sudan bị chiến tranh tàn phá, một chỉ huy cảnh sát Pakistan bị cáo buộc giết người trong những vụ đối đầu được dàn dựng, và một chỉ huy dân quân tại Libya.

Bộ Tài chánh Mỹ cũng chỉ định chế tài một doanh nhân châu Âu người Slovakia, Marian Kocner, về tội ra lệnh ám sát nhà báo điều tra Jan Kuciak vào năm 2018 trong lúc nhà báo này đang điều tra nạn hối lộ ở cấp cao.

VOA Express

XS
SM
MD
LG