Đường dẫn truy cập

Hàng triệu trẻ em còn thiếu cân dù tỷ lệ béo phì gia tăng ở Việt Nam


Cậu bé nhìn các sản phẩm sữa tại một phòng trưng bày của công ty Vinamilk ở Hà Nội, 10/3/14
Cậu bé nhìn các sản phẩm sữa tại một phòng trưng bày của công ty Vinamilk ở Hà Nội, 10/3/14

Việt Nam có một vấn đề về dinh dưỡng nghe như là sự mâu thuẫn: quá nhiều trẻ em bị thiếu cân nhưng đồng thời ngày càng nhiều trẻ em đang trở nên thừa cân mỗi năm.

Đây có vẻ như hai vấn đề y tế công riêng biệt, nhưng thực ra có liên hệ với nhau. Cả hai đều là kết quả của chế độ ăn uống kém về dinh dưỡng. Nỗi sợ tình trạng suy dinh dưỡng từ thời xưa có thể đã thôi thúc người Việt Nam bù đắp quá mức trong thói quen ăn uống của mình, đẩy vấn đề theo hướng ngược lại sang tình trạng thừa dinh dưỡng.

Đây là hiện tượng không chỉ riêng ở Việt Nam. Những nước đang phát triển trên thế giới đang chật vật ứng phó với tình trạng kham hiếm lương thực trong lịch sử với sự xuất hiện ngày càng nhiều thịt, sữa, thức ăn nhanh và đồ ăn vặt khác.

Ngày nay, ít người Việt nào còn thiếu ăn. Việt Nam thường được ca ngợi là gương sáng thành công vì đạt được tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, mà mục tiêu đầu tiên trong số đó là xóa nghèo túng cùng cực và tình trạng thiếu ăn.

"Tỉ lệ nghèo đói đã giảm đi hơn hai phần ba, từ 24,9% năm 1993 xuống còn 6,9% trong năm 2008" ở Việt Nam, theo website của Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng tình trạng thiếu ăn vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người.

Chị Lê Thị Mỹ Phương, một người mẹ hai con, sinh năm 1976. Dù không trải qua thời kỳ chiến tranh nhưng chị Mỹ Phương đã chứng kiến những hậu quả của nó, trong đó có những đợt đói ăn kéo dài cho đến những năm 1980. Việc chia khẩu phần lương thực thời kỳ đó còn để lại ảnh hưởng tâm lý đối với nhiều người Việt Nam, những người muốn bảo đảm rằng con cái của họ không bao giờ chịu cảnh thiếu thức ăn. Chị Mỹ Phương cho biết chị thích cho con uống bột cacao pha với sữa, một loại thức uống phổ biến ở Việt Nam.

"Tôi không thấy có gì là xấu. Tôi muốn các cháu phát triển và cao lớn, tôi không muốn chúng nó quá gầy gò," chị Mỹ Phương cho biết.

Biểu tượng của sự khá giả

Cũng như ở các nước đang phát triển khác, ở đây con cái bụ bẫm được xem là biểu tượng của sự khá giả, vì nó cho thấy các bậc cha mẹ có đủ tiền để nuôi nấng con cái thật tốt. Điều này diễn ra vào lúc thức ăn nhanh, chẳng hạn McDonald’s, mở nhà hàng vào tháng Hai, đang được nhiều người ưa thích, và nước ngọt không tăng giá sau khi những cuộc vận động của nhà sản xuất giúp đánh bại một dự luật đòi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có gas vào tháng Bảy.

Cùng với sự thờ ơ của công chúng đối với việc tập thể dục, những điều này là một phần của lý do mà Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, UNICEF, ước tính tỉ lệ trẻ em thừa cân ở Việt Nam đã tăng sáu lần kể từ năm 2000.

Nhưng có lẽ một yếu tố ít người để ý hơn là sữa. Sữa có một vị trí đặc biệt ở Việt Nam bởi vì nó từng tương đối hiếm đối với người Việt chủ yếu không dung nạp được đường lactose. Tuy nhiên, những năm đói kém và còi cọc đã khiến các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm một giải pháp về dinh dưỡng. Một trong số đó là sữa, được xem là một nguồn đơn giản cung cấp chất dinh dưỡng mà có thể dễ dàng phân phối trên toàn quốc. Nhà chức trách quảng bá một chiến dịch uống sữa, đặc biệt là thông qua Vinamilk, công ty được tạp chí Forbes xếp hạng, có một phần vốn nhà nước, và là một trong những công ty mạnh nhất nước. Các công ty sữa tiếp cận người tiêu dùng với những quảng cáo truyền hình dồn dập cho thấy những em nhỏ tươi cười uống sữa để cao lớn và mũm mĩm.

Chị Mỹ Phương nói hoạt động tiếp thị này có hiệu quả và người Việt Nam dần dà xem sữa là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ em cùng với gạo và bún, mì có tính truyền thống hơn. Ngoài vitamin D và calcium, người ta không bàn gì về những thành phần khác của sữa, chẳng hạn như kích thích tố, chất kháng sinh, chất gây dị ứng, chất béo và đường - đặc biệt là lactose, những chất mà con người khó tiêu hóa.

Ông Roger Mathisen, một chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF ở Hà Nội, cho biết một phần của vấn đề là người Việt Nam xem quảng cáo là nguồn thông tin xác thực mà "không nhận ra rằng đó là tuyên truyền."

Trong những năm gần đây, Việt Nam giảm bớt cường độ chiến dịch vận động uống sữa, mặc dù chính phủ vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên vào năm 2013 khi công bố một kế hoạch làm cho người dân cao hơn nhờ dinh dưỡng tốt hơn.

Nhà nước giờ cấm quảng cáo sữa bột nhắm vào đối tượng trẻ em dưới hai tuổi, mặc dù những hoạt động tiếp thị sữa khác vẫn còn mạnh.

ông Mathisen nói: "Ngân sách của chính phủ để thúc đẩy lối sống lành mạnh còn quá nhỏ so với ngân sách tiếp thị của các công ty này."

Chăm sóc mang tính phòng ngừa

Ông cho rằng, dù chính phủ không thể cạnh tranh từng đồng đô la với quảng cáo của công ty sữa, họ có thể sử dụng các công cụ quản lý để cải thiện sức khỏe công chúng. Ví dụ, các bác sĩ thường chọn cách điều trị và kê thuốc vì bảo hiểm y tế sẽ hoàn lại những khoản này. Nhưng ông Mathisen nói rằng các nhà hoạch định chính sách có thể sửa đổi những luật lệ về bảo hiểm để ưu tiên việc chăm sóc mang tính phòng ngừa, chẳng hạn như tư vấn những người lần đầu làm mẹ chọn cho con bú thay vì uống sữa bột.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến tỉ lệ béo phì. Các nhà quan sát nói rằng khi Việt Nam đô thị hóa nhanh chóng, người dân ít hoạt động thể chất hơn nhiều ở các thành phố chật chội so với khi họ ở nông thôn. Nhiều người đổi lao động nông nghiệp lấy những công việc văn phòng ngồi một chỗ. "Tỉ lệ béo phì ở khu vực thành thị cao hơn ba lần so với ở nông thôn," Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết trong một báo cáo năm 2011, ghi nhận tỉ lệ 8% và 3,1% tương ứng của hai khu vực.

Ông Michael Waibel, chủ biên một cuốn sách sách về phát triển đô thị có tên là "TP. Hồ Chí Minh: MEGA City" nói rằng các nhà quy hoạch đô thị nên tạo ra nhiều "không gian xanh" hơn và khuyến khích người dân tập thể dục ở nơi công cộng.

"Thành phố không thân thiện lắm với người đi bộ và không có làn đường riêng cho xe đạp theo hiểu biết của tôi," ông Waibel nói trong chuyến đi gần đây tới thành phố Hồ Chí Minh.

Một mũi tên trúng hai con chim

Mặc dù nhà chức trách ít quan tâm đến vận động thể chất, việc họ vẫn còn bận tâm với tình trạng suy dinh dưỡng cũng là điều dễ hiểu. Việt Nam vẫn có tỉ lệ trẻ em thấp còi trên 28%, theo UNICEF. Thấp còi đặc biệt phổ biến ở người dân vùng nông thôn, trong khi béo phì phổ biến ở người dân thành thị, vì vậy chính sách của chính phủ phải thay đổi tùy theo vùng.

Nhưng ông Mathisen nói có một cách để giải quyết cả hai hình thức thiếu-thừa dinh dưỡng cùng lúc. Việt Nam cần phải giáo dục người dân ăn uống cân bằng bởi vì "sự đa dạng thực phẩm giúp bảo vệ chống lại cả vấn đề suy dinh dưỡng lẫn béo phì," ông Mathisen nói. "Thực sự có một giải pháp tốt mà sẽ giúp giải quyết cả hai."

VOA Express

XS
SM
MD
LG