Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc: Trục trặc trong thử tên lửa, tổng thống vẫn hướng tới ‘kỷ nguyên vũ trụ’


Một cuộc phóng tên lửa KSLV-1 của Hàn Quốc (ảnh tư liệu, 2020).
Một cuộc phóng tên lửa KSLV-1 của Hàn Quốc (ảnh tư liệu, 2020).

Tên lửa vũ trụ đầu tiên do chính Hàn Quốc chế tạo được phóng đi hôm thứ Năm 21/10, nhưng không thể hoàn toàn đưa một vệ tinh giả lên quỹ đạo, mang lại kết quả không trọn vẹn sau cuộc phóng thử cho thấy dù sao Hàn Quốc cũng có bước nhảy vọt trong kế hoạch không gian đầy tham vọng của họ.

Tên lửa KSLV-II Nuri gồm 3 tầng, mang hình quốc kỳ Hàn Quốc, bay lên từ bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Naro lúc 5 giờ chiều, giờ địa phương; tức 08h00, giờ chuẩn quốc tế GMT.

Nuri trong tiếng Hàn có nghĩa là thế giới.

Tên lửa này được thiết kế để đưa khối lượng hàng 1,5 tấn lên quỹ đạo cách trái đất từ 600 đến 800 km. Đây là một phần trong chương trình không gian rộng lớn hơn có tính đến việc phóng vệ tinh để theo dõi, định vị và liên lạc, và thậm chí sẽ có cả tàu thăm dò mặt trăng.

Tổng thống Moon Jae-in theo dõi cuộc phóng từ trung tâm vũ trụ và phát biểu rằng tên lửa đã hoàn thành các trình tự bay nhưng không đưa được khối lượng thử nghiệm vào quỹ đạo.

"Thật đáng tiếc, chúng ta đã không hoàn toàn đạt được mục tiêu", ông phát biểu tại địa điểm phóng tên lửa.

Ông Moon khen ngợi những người thực hiện và cho biết dù sứ mệnh chưa hoàn thành, song dự án sẽ vẫn dấn tới.

“Không lâu nữa chúng ta sẽ có thể phóng nó chính xác vào quỹ đạo mục tiêu. Kỷ nguyên Vũ trụ Hàn Quốc đang đến gần", ông nói.

Các quan chức cho biết tầng cuối của tên lửa dường như ngừng hoạt động sớm 40-50 giây, do đó khối lượng hàng không đạt tốc độ cần thiết để đến được quỹ đạo mục tiêu. Các quan chức nói rằng các chuyên gia hiện vẫn đang điều tra về nguyên nhân của sự cố tên lửa tắt động cơ sớm, nhưng có thể phỏng đoán là do thiếu áp suất bên trong bình nhiên liệu, máy tính điều khiển ra lệnh quá sớm, hoặc các yếu tố khác.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Lim Hye-sook phát biểu tại một cuộc họp báo rằng: "Vụ phóng hôm nay hơi gây thất vọng, nhưng nó rất quan trọng vì đây là lần thử nghiệm đầu tiên loại phương tiện phóng mà Hàn Quốc phát triển độc lập với công nghệ của riêng mình. Điều có ý nghĩa là đã khẳng định tất cả các bước chính trong quy trình phóng đều đã được thực hiện và chúng tôi đã làm chủ công nghệ cốt lõi".

Dưới sự giám sát của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI), một chi nhánh thuộc tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc đã chế tạo tên lửa Nuri nặng 200 tấn. Nó có 3 tầng và chúng bay với các tên lửa đẩy dùng nhiên liệu lỏng; trong đó, tầng 1 có một cụm 4 tên lửa đẩy nặng 75 tấn; tầng 2 có một cụm tên lửa đẩy nữa nặng 75 tấn; và tầng cuối cùng có 1 động cơ tên lửa 7 tấn.

KARI cho biết họ có kế hoạch tiến hành thêm 5 vụ phóng thử nữa trước khi tên lửa thường xuyên chở khối lượng hàng thực.

Cuộc phóng thử tiếp theo hiện được lên lịch sẽ diễn ra hôm 19/5/2022.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG