Đường dẫn truy cập

Nạn nhân vụ khủng bố ở Bangladesh hầu hết là người nước ngoài


Một người thân an ủi cô Semin Rahman (đang che mặt) có con trai mất tích sau khi lực lượng an ninh giải cứu các con tin tại nhà hàng ở Dhaka, Bangladesh, ngày 2 tháng 7 năm 2016.
Một người thân an ủi cô Semin Rahman (đang che mặt) có con trai mất tích sau khi lực lượng an ninh giải cứu các con tin tại nhà hàng ở Dhaka, Bangladesh, ngày 2 tháng 7 năm 2016.

Bangladesh hôm nay để tang hai ngày sau vụ một nhóm 7 phần tử hiếu chiến Hồi giáo giết hại 20 con tin và 2 cảnh sát viên trong một vụ giằng co kéo dài 11 giờ đồng hồ tại một nhà hàng hạng sang ở Dhaka.

Vụ tấn công bắt đầu tối thứ Sáu, khi các tay súng tiến vào tiệm Holey Artisan Bakery trong khu ngoại giao ở Dhaka.

Vụ giằng co chấm dứt khi các lực lượng an ninh xông vào bên trong toà nhà, giết chết 6 kẻ tấn công và bắt sống một người. Hầu hết các nạn nhân bị chém chết, và những hung thủ đã gởi hình của vụ giết hại này cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo trong thời gian xảy ra vụ đối đầu.

Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công, nhưng chưa có liên hệ trực tiếp nào với nhóm cực đoan này được xác nhận, và các giới chức chính phủ bác bỏ việc Nhà nước Hồi giáo liên quan trong vụ này.

Bộ trưởng Nội vụ hôm Chủ nhật nói rằng những kẻ tấn công hoàn toàn không có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo. Bộ trưởng Asaduzzaman Khan nói ngược lại những kẻ thánh chiến Hồi giáo này là thành viên của một nhóm hiếu chiến trong nước tên là - Jumatul Mujahedeen Bangladesh, gọi tắt là JPM, nhóm đã bị cấm hoạt động ở Bangladesh hơn một chục năm qua. Ông Khan nói tất cả những kẻ tấn công này đều là những người có học và xuất thân từ những gia đình khá giả.

Hãng thông tấn Reuters cũng trích lời tổng trưởng cảnh sát quốc gia, ông Shahidul Hoque, nói rằng 7 kẻ tấn công này đều là những người Bangladesh và giới hữu trách trước đây đã tìm cách bắt 5 tên trong số này.

Chính phủ Bangladesh lâu nay vẫn khẳng định là Nhà nước Hồi giáo không hiện diện trên lãnh thổ của họ. Chính quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina quy lỗi hàng loạt vụ tấn công hồi gần đây cho các đối thủ chính trị của bà Hasina, và nói rằng họ hậu thuẫn cho các nhóm hiếu chiến nhằm gây bất ổn.

Nhà chức trách Bangladesh đang siết chặt an ninh tại thủ đô sau vụ tấn công.

Trong số 11 người đàn ông và 9 phụ nữ thiệt mạng có 9 người Ý, 7 người Nhật, 2 người Bangladesh, 1 người Mỹ và 1 người Ấn Ðộ. Hai cảnh sát viên Bangladesh trước đó cũng thiệt mạng trong bao vây.

Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Mỹ lên án vụ tấn công và nói rằng Hoa Kỳ sát cánh với Bangladesh và quyết tâm chống khủng bố ở bất cứ đâu.

Một người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon nói nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc hy vọng những kẻ đứng sau vụ tấn công sẽ bị mang ra trước công lý và những nỗ lực quốc tế ngăn chặn và chống chủ nghĩa khủng bố cần phải được tăng cường.

Trong bài phát biểu trước dân chúng toàn quốc trên truyền hình, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina kêu gọi toàn thể nhân dân Bangladesh “đồng lòng chống khủng bố”.

Một loạt những vụ tấn công đã xảy ra ở Bangladesh trong vài tháng qua, hầu hết là nhắm vào các blogger, những người vô thần và những tín đồ của các tôn giáo thiểu số. Nhóm al-Qaida ở Tiểu lục địa Ấn Độ, gọi tắt là AQIS, đã nhận trách nhiệm trách nhiệm đối với nhiều vụ trong những vụ tấn công đó.

Thứ Năm vừa qua, Hoa Kỳ tuyên bố AQIS là “một tổ chức khủng bố nước ngoài” và Asim Umar, thủ lãnh của nhóm này, là một phần tử khủng bố toàn cầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG